Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kể chuyện giảm nợ công về 55% GDP sau 3 năm

P.V Thứ bảy, ngày 25/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, duy trì trong ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Năm 2016 tỷ lệ nợ công là 63,7% GDP, nhưng đến cuối năm 2019 dự kiến là khoảng 55% GDP
Bình luận 0

img

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Gần 7 năm giữ trọng trách người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng toàn ngành đã có những nỗ lực đổi mới, cải cách nền tài chính công.

Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, bội chi NSNN trong phạm vi dự toán, ước khoảng 3,4% GDP thực hiện. Ngoài ra, các chỉ tiêu nợ công cũng nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công giảm còn khoảng 55% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, thấp hơn kế hoạch đầu năm là nợ công khoảng 61,3%, nợ Chính phủ khoảng 52,2%.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2019, các nhiệm vụ về tài chính - NSNN được triển khai đồng bộ, tích cực và đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chỉ tiêu thu NSNN tiếp tục vượt dự toán cả ngân sách trung ương và địa phương. Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn. Trong đó, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên trên 82% năm 2019, tỷ trọng thu dầu thô và xuất nhập khẩu giảm dần, từ mức bình quân khoảng 31,2% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 17,5% năm 2019.

Năm 2019, Bộ Tài chính đã điều hành bội chi trong phạm vi dự toán, bội chi NSNN năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP thực hiện. Các chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2019 tỷ lệ nợ công giảm còn khoảng 55% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, thấp hơn kế hoạch đầu năm là nợ công khoảng 61,3%, nợ Chính phủ khoảng 52,2%.

Ở chiều ngược lại, hoạt động chi NSNN cũng được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm. Bội chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định và nợ công được quản lý chặt chẽ, cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.

“Ngay từ đầu năm, công tác quản lý thu NSNN được chú trọng, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; quyết liệt xử lý thu nợ thuế...

Nhờ chủ động triển khai, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, thu NSNN đã đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN vượt 9,8% so với dự toán. Trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán; 63/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán tổng thu nội địa. Đây là năm thứ hai, trong bối cảnh nhiều nguồn thu sụt giảm, thu NSTW vẫn đạt và vượt dự toán”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.

Theo ông, kết quả đạt được trong năm 2019 là thành quả của sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp đó, là sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của DN. Đặc biệt là nỗ lực, đồng lòng, chung tay, chung sức của toàn ngành Tài chính, góp phần tạo đà hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2020.

img

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dự báo, thời gian tới, nợ công sẽ tiếp tục giảm, cơ cấu nợ bền vững hơn.

Một vấn đề thường xuyên được nhắc tới trong những năm qua là nợ công đã được kiểm soát, tỷ lệ gia tăng nợ công 3 năm qua giảm hơn một nửa.

Lý giải về kết quả này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để đảm bảo an toàn nợ công, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ bám sát mục tiêu, giải pháp đề ra, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh, tăng vay về cho vay lại và rà soát các hiệp định đảm bảo đúng quy định.

“Do nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, chúng ta vẫn phải bội chi và vay nợ, nhưng công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nợ công được kiểm soát tốt. Tốc độ tăng dư nợ công giảm hơn một nửa, chỉ khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 so với giai đoạn 2011 - 2015 là 18,1%/năm. Vì thế, tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, duy trì trong ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Năm 2016 tỷ lệ nợ công là 63,7% GDP, nhưng đến cuối năm 2019 dự kiến là khoảng 55% GDP”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

img

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng từng nhận xét năm vừa 2019 là năm mà ngành đã đạt được ba mục tiêu: thu đúng, thu đủ và thu kịp thời. Theo ông, đây là lúc ngân sách bắt đầu có “của ăn của để”.

Theo ông, điều đáng nói đó là giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, ngành Tài chính đã rất nỗ lực cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ. Nợ Chính phủ chủ yếu là các khoản phát hành trái phiếu tại thị trường vốn trong nước và các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, cơ cấu vay chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nếu năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỷ trọng vay trong nước dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ (năm 2016 là 60,1%). Kỳ hạn phát hành TPCP trong nước bình quân giai đoạn 2012 - 2015 khoảng trên 4 năm, thì từ đầu năm đến nay bình quân là 13,44 năm, đã phát hành được trái phiếu kỳ hạn 20 - 30 năm. Kỳ hạn còn lại danh mục nợ TPCP, nếu như trước kia bình quân trên 3 năm thì nay xấp xỉ đạt 7,42 năm, áp lực vay đảo nợ giảm mạnh.

Đồng thời, lãi suất vay đã giảm sâu. Nếu như những năm 2011 - 2013 có những khoản vay 12 - 13%/năm, kỳ hạn vay 3 năm, thì bình quân 12 tháng đầu năm 2019 là 4,51%/năm, giảm mạnh từ mức 12,01% bình quân năm 2011. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Nhà đầu tư trái phiếu đã đa dạng hơn, chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư. Nếu như giai đoạn trước vay từ ngân hàng thương mại chiếm 78 - 80% thì đến nay chỉ còn khoảng 40%, còn lại là các nhà đầu tư dài hạn khác như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ tăng tính cạnh tranh, hạ lãi suất, góp phần ổn định, phát triển thị trường TPCP cả chiều rộng và chiều sâu”.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng dự báo, thời gian tới, nợ công sẽ tiếp tục giảm, cơ cấu nợ bền vững hơn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

img

Theo Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng, sắp xếp tổ chức bộ máy là việc làm khó. Song với cách làm thận trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đối với công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, năm 2019, ngành Tài chính đã cắt giảm 2.172 đầu mối. Trong đó, Tổng cục Thuế cắt giảm 1.968 đầu mối, bao gồm giảm 63 phòng tham mưu, thanh tra của Cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 193 Chi cục thuế tại các Cục thuế tỉnh, thành phố; giảm khoảng 1.712 đội thuế thuộc Chi cục thuế.

Còn KBNN đã giảm 191 đầu mối, bao gồm đã cắt giảm 128 phòng và tương đương thuộc KBNN cấp tỉnh; 15 KBNN cấp huyện; giảm 48 phòng thuộc KBNN quận tương đương cấp tổ, đội.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan giảm 12 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.

Cuối cùng, Cơ quan Bộ Tài chính giải thể 1 đơn vị cấp phòng thuộc Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành Tài chính, luỹ kế giai đoạn 2019 - 2020 tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem