Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần quan tâm cán bộ khuyến nông cơ sở
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ khuyến nông cơ sở
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 15:15 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, cần quan tâm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề.
Theo Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, thời gian qua hệ thống khuyến nông các cấp đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần tạo ra sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất và trình độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên phạm vi rộng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông cho rằng, lực lượng khuyến nông đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, định hướng về phát triển khuyến nông trong giai đoạn tới: “Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số” nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bộ NNPTNT cũng đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.
Để tiếp tục phát triển lực lượng khuyến nông trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến nông. Trong đó, củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn.
Đối với 13 tỉnh thuộc Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với những tỉnh không thuộc Đề án, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 01 năm triển khai Đề án thí điểm để vận dụng, áp dụng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng,… đáp ứng nhu cầu của sản xuất, thị trường.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số… cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu mối tham mưu, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp ở địa phương, từng bước chuẩn hóa cán bộ khuyến nông.
Đồng thời, quan tâm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề; Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Tại hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023 tổ chức ở Khánh Hòa mới đây, báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) cho biết, năm 2022 KNQG triển khai xây dựng 466 mô hình trình diễn với quy mô trên 4.000ha cây trồng các loại; 20.320 con gia súc, gia cầm; 138ha và 8.473m3 mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; lắp đặt hệ thống hầm bảo quản, nhật ký điện tử cho 24 tàu khai thác hải sản xa bờ; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa với quy mô trên 400ha…
Các mô hình nói trên có sự tham gia của 12.500 hộ nông dân, trên 28.800 lượt người được tập huấn kỹ thuật, 25.000 lượt người tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết, tham quan nhân rộng mô hình…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.