Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo dựng nền nông nghiệp chuẩn hóa

V.A Thứ hai, ngày 27/03/2023 18:50 PM (GMT+7)
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), tiến bộ kỹ thuật đã góp phần mang lại nhiều đổi thay cho sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần tiếp tục ứng dụng KHCN, tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, được chuẩn hóa quy trình...
Bình luận 0

KHCN làm đổi thay sản xuất nông nghiệp

Thông tin về kết quả công nhận tiến bộ kỹ thuật (TBKT) ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2018-2023, ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Trong 5 năm qua, đã có 465 giống và 220 quy trình kỹ thuật trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã được công nhận. 

Trung bình mỗi năm có khoảng 100 giống và hơn 40 quy trình kỹ thuật được công nhận, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm phần lớn (68%) với 373 giống và 91 quy trình. Và riêng về trồng trọt thì lúa và ngô được công nhận nhiều nhất (lúa: 168 giống, 9 quy trình kỹ thuật; ngô: 43 giống và 3 quy trình kỹ thuật). 

Các lĩnh vực khác như chăn nuôi; lâm nghiệp; cơ điện nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, mỗi lĩnh vực chiếm trên dưới 10%. Tỷ lệ công nhận TBKT (về giống) do các đơn vị sự nghiệp chiếm 70%, các công ty, doanh nghiệp chiếm 30%.

Chuẩn hóa ngành nông nghiệp bằng việc ứng dụng KHCN - Ảnh 1.

Nông dân Sơn La ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhãn, góp phần tăng năng suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: VPTB.

Giai đoạn 2018 – 2023, đã có 465 giống và 220 quy trình kỹ thuật trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã được công nhận. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 giống và hơn 40 quy trình kỹ thuật được công nhận.

Theo ông Nguyễn Quang Tin, các TBKT bao phủ ở đầy đủ các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, giúp cho nâng cao chất lượng nông sản và tiếp cận với trình độ TBKT trong khu vực, đem lại hiệu quả cho người sản xuất, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong bối cảnh có nhiều khó khăn: Giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng… nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng khá so với các nước. 

Cụ thể, năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch ước đạt 42,6 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu được 6,5-7 triệu tấn. Sản phẩm chăn nuôi vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước, ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn, tăng 5,26%. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 2,7%. 

Năm 2022, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt thặng dư 8,5 tỷ USD. Nhờ KHCN, chất lượng hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đảm bảo, đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường.

Xác định được tầm quan trọng của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng cao đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. 

Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận TBKT và áp dụng vào sản xuất. 

Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Xây dựng nền nông nghiệp chuẩn hóa

Để thúc đẩy TBKT ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Tin nêu các giải pháp, gồm: Tăng cường hợp tác và tạo nhiều đối tác giữa nông dân, nhà nghiên cứu và cán bộ khuyến nông để giúp chuyển giao TBKT hiệu quả hơn; ứng dụng nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh: các công nghệ như cảm biến, bản đồ GPS và máy bay không người lái để đo lường và quản lý chính xác sản lượng cây trồng. Cung cấp khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào và đầu ra như hạt giống, phân bón, thuốc BVTV để áo dụng hiệu quả các công nghệ mới; lựa chọn, phát triển các công nghệ phù hợp; đào tạo năng lực cho nông dân, cán bộ khuyến nông, nhà nghiên cứu; thúc đẩy chia sẻ kiến thức, tri thức thông qua hội nghị, hội thảo và diễn đàn trực tuyến, chia sẻ thông tin giúp tăng số lượng và chất lượng các TBKT trong nông nghiệp…

"Đặt hàng" các viện, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Các đề tài nghiên cứu cần sát với thực tiễn, đưa được vào cuộc sống, thực sự giúp ích cho người nông dân. Tư duy khoa học nhưng đồng thời cũng phải đi cùng với tư duy như kinh tế, tư duy như một doanh nghiệp". 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong một chuỗi ngành hàng thường bắt đầu từ giống, tiếp đến là quy trình sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, phân phối, thị trường, người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi ngành hàng đó dường như không được xuyên suốt mà đang bị cắt khúc.

"Năm 2023 được coi là năm chuẩn hóa của ngành nông nghiệp, sẽ không chỉ chuẩn hóa về giống mà còn phải chuẩn hóa quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch. Định hướng về KHCN thời gian tới cần rõ ràng hơn để tạo ra hình ảnh một nền nông nghiệp chuyên nghiệp được chuẩn hóa quy trình từ giống tới canh tác, nuôi trồng… và đến khi đưa sản phẩm ra thị trường" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem