Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn với trung bình cả nước

Hữu Dụng Thứ năm, ngày 23/03/2023 14:35 PM (GMT+7)
Ngày 22/3, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Bình luận 0

Dự hội nghị, về phía Trung ương ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Về phía tỉnh Thanh Hoá có ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đỗ Minh Tuấn -  Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở ban ngành, huyện thị, xã phường tỉnh Thanh Hoá.

Chương trình mục tiêu quốc gia dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Theo báo cáo kết quả thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới tại hội nghị, giai đoạn 2021 - 2022, các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, đăng ký 250 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP. 

Sau khi tổ chức đánh giá, Thanh Hóa đã xét chọn, có 223 sản phẩm OCOP được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, các địa phương Thanh Hóa có điều kiện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. 

Trong 2 năm qua, các địa phương ở Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi. Cùng với đó, 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã...

Về nước sạch, vệ sinh môi trường, Thanh Hóa đã xây 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới. Nhân dân các vùng quê trong tỉnh cũng huy động nguồn lực để chỉnh trang, xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí NTM. 

Chương trình mục tiêu quốc gia dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại buổi lễ.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục được triển khai hiệu quả, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá. 

Trong giai đoạn 2021 - 2022 các địa phương đã rà soát, đăng ký 250 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP. Sau khi tổ chức đánh giá, xét chọn, có 223 sản phẩm OCOP được công nhận. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020...

Về xã cơ sở vật chất văn hóa - thể thao, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hoá có 442/469 xã, đạt 94,2%; 365/469 xã đạt tiêu chí về văn hóa, đạt 77,8%; 3.698/3.835 thôn/bản có nhà văn hóa - khu thể thao thôn/bản, đạt 96,4%. Trong giáo dục, ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, toàn tỉnh có thêm 323 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, lũy kế đến hết năm 2022 có 1.684/1.986 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp, đạt 84,79%.

Trong 2 năm 2021-2022 và quý I/2023 toàn tỉnh này có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM, 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí.

Chương trình mục tiêu quốc gia dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc - Ảnh 3.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị.

Lũy kế đến trung tuần tháng 3/2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 352 xã, 700 thôn/bản đạt chuẩn NTM.  75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12 xã, 317 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm 5 sao Quốc gia.

Những kinh nghiệm hay

Tham luận tại hội nghị, nhiều đại biểu là lãnh đạo các xã, đơn vị cấp huyện, sở ngành liên quan đến các tiêu chí xây dựng NTM đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất những nội dung cần triển khai trong thời gian tới. 

Bí thư Đảng ủy xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá - ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ về những kinh nghiệm đầu tiên xây dựng xã NTM thông minh. 

Theo đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã Đông Văn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời, thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng. 

Tại hội nghị giao ban hằng tháng, UBND xã Đông Văn triển khai phổ biến, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, các nhà trường và ban cán sự 7 thôn trên địa bàn.

Chương trình mục tiêu quốc gia dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc - Ảnh 4.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị sơ kết.

Đồng thời, xã Đông Văn cũng đăng ký tham gia chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo địa phương. 

Xã phối hợp với đơn vị viễn thông mở lớp tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số tại 7/7 khu dân cư, hướng dẫn cho công dân một số kỹ năng như thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cài đặt app ‘Smart Thanh Hóa’ giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân…

Trên trang thông tin điện tử xã Đông Văn đã mở chuyên mục chuyển đổi số, đăng tải nhiều tin, bài về công tác chuyển đổi số, nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho Nhân dân về chuyển đổi số. Tại bộ phận một cửa, bộ phận lễ tân hành chính trực tiếp hướng dẫn công dân thao tác thành thạo các kỹ năng đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã được cấp và thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ. Xã hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, giai đoạn 2019-2022; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức được kết nối, sử dụng Hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ, công việc giúp tiết kiệm chi phí cho cơ quan, đồng thời tiết kiệm thời gian cho cán bộ và công dân, giảm việc đi lại báo cáo, trình ký nhiều lần bằng văn bản giấy…

Nông thôn mới: Không có điểm kết thúc

Chương trình mục tiêu quốc gia dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc - Ảnh 5.

Tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2021-2022 .

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ghi nhận những chuyển biến tích cực thể hiện qua kết quả xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa khá toàn diện, cao hơn trung bình của cả nước và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, chất lượng sống của người dân dần nâng cao…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành tựu đạt được từ sự quyết tâm, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tỉnh Thanh Hóa trong suốt thời gian qua, và tin tưởng rằng kết quả đạt được sẽ tốt hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cơ bản đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra để phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, đồng thời, xin lưu ý một số vấn đề để Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp và báo cáo kiến nghị tháo gỡ. Về việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ chương trình tại các huyện miền núi Thanh Hóa, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của bộ, của địa phương để thực hiện...

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá khẳng định, những kết quả, thành tích đạt được trong những năm qua, Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tốt hơn, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, ông Đỗ Trọng Hưng cũng trân trọng cảm ơn các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đã luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng Bằng khen cho 5 huyện, 25 xã, 17 thôn, bản; 26 hộ gia đình; 9 tập thể sở, ngành cấp tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí; 43 cá nhân và 5 doanh nghiệp...có nhiều thành tích trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2021-2022".

Nhà báo Trần Hữu Dụng, phóng viên Văn phòng đại diện khu vực Bắc Miền Trung, thường trú tại tỉnh Thanh Hóa của Báo NTNN/Dân Việt là một trong 3 phóng viên được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vì đã có thành tích trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2021-2022".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem