Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân trồng sầu riêng không nóng vội, chủ quan

P.V Chủ nhật, ngày 18/09/2022 09:03 AM (GMT+7)
Tại lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Đắk Lắk chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sầu riêng đã mang đến niềm vui chung.
Bình luận 0

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, sự kiện những lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật vừa được ký kết vào ngày 11/07/2022 giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. 

Sự kiện tại Đắk Lắk hôm nay ghi dấu những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, hiện diện trên các kệ hàng, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân trồng sầu riêng không nóng vội, chủ quan - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá. Ảnh: Duy Hậu.

Sự kiện là niềm vui, niềm tự hào chung của những người dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác. 

Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá. 

 Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra, nhưng vẫn luôn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu, nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm. 

"Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. 

Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân trồng sầu riêng không nóng vội, chủ quan - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cắt băng đưa lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Duy Hậu.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, tư duy “đi cùng nhau” là yêu cầu bắt buộc. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên. 

Những yêu cầu khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Theo nghị định thư giữa hai bên, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.

Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

P.V

Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng. 

“Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam. 

"Chúng ta hãy nhắc nhau rằng: “Những điều mình không thích, không muốn người khác làm với mình, thì đừng làm với người khác”. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đừng để “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài. Vậy, muốn “đi cùng nhau”, trước hết phải “ngồi cùng nhau” trong một hệ sinh thái ngành hàng, từ cấp độ địa phương đến liên vùng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Kiểm soát chặt mã số vùng trồng sầu riêng

Trong đợt đầu tiên đánh giá, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 26 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tại VN. Tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3.000 ha, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ bé với với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các DN VN đã có hợp đồng, khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

img

Theo đó, vấn đề kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở sản xuất cho các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sẽ là một thách thức.

Cục Bảo vệ thực vật khẳng định các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ được cập nhật bổ sung vào hệ thống giúp các cửa khẩu biết hiện nay đang có những mã số nào được Trung Quốc phê duyệt. Bên cạnh đó, các mã số được cấp cũng được chuyển về cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương để phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

P.V




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem