Bộ trưởng thông tin việc Thủ tướng chỉ đạo 3 bộ "bắt tay" tháo gỡ vướng mắc liên quan đến học sinh

Thành An Thứ sáu, ngày 28/10/2022 14:57 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề.
Bình luận 0

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết khi giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28/10.

Theo đó, làm rõ một số vấn đề vướng mắc liên quan đến việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề được ĐBQH đã nêu tại rất nhiều kỳ và đây là vấn đề kéo dài, chất vấn tại khóa XIV với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã nêu vấn đề này và Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã có kết luận bằng văn bản, tuy nhiên đến nay vấn đề trên này vẫn chưa được tháo gỡ.

Bộ trưởng thông tin việc Thủ tướng chỉ đạo 3 bộ "bắt tay" tháo gỡ vướng mắc liên quan đến học sinh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28/10. Ảnh: QH.

Báo cáo đầy đủ, ông Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay cả nước có 63/63 địa phương đều tiến hành tổ chức cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa học nghề, vừa học văn hóa, hiện có khoảng trên 400.000 các cháu đang học.

Đây là việc phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và kết luận của Quốc hội, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho áp dụng triển khai nhiều năm, nhưng vừa qua một cơ quan quản lý nhà nước đã dùng một văn bản để khống chế và yêu cầu các địa phương không được triển khai việc này.

Thông lệ quốc tế, nhất là các nước phát triển về giáo dục nghề nghiệp như Đức, Úc, Nhật, Singapore đều làm việc này, phần lớn các cháu vào học trường nghề vừa học nghề học văn hóa là do các cháu không học cao hơn hoặc không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn, các cháu vừa học văn hóa, vừa học nghề để sớm tiếp cận thị trường, đây là một chủ trương đúng.

"Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và tối hôm qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tháo gỡ việc này", ông Dung nói và cho biết, tối hôm qua ông đã trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đã báo cáo Thủ tướng là quyết tâm kết thúc kỳ họp này phải tháo gỡ được vấn đề này. "Tôi cũng tin rằng trao đổi của tôi và Bộ trưởng Bộ Giáo dục tối hôm qua sẽ thành công", người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ.

Nhu cầu chính đáng của học sinh

Bộ trưởng thông tin việc Thủ tướng chỉ đạo 3 bộ "bắt tay" tháo gỡ vướng mắc liên quan đến học sinh - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 27/10. Ảnh: QH.

Một ngày trước (27/10), trong phần đóng góp ý kiến tại phiên thảo luật về kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề xuất tiếp tục triển khai dạy học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các trường trung cấp, cao đẳng.

Đại biểu cho biết, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 350.000 học viên tốt nghiệp THCS theo học trung cấp, trong đó có khoảng 80% muốn vừa học nghề, vừa tiếp tục học văn hóa, đây là nhu cầu chính đáng của học sinh và tỷ lệ này đang tăng mạnh trong những năm gần đây ở nhiều địa phương.

Từ năm 2020 đến nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần làm việc, đồng thời có văn bản cho phép các trường trung cấp đủ điều kiện tiếp tục tổ chức dạy học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, tuy nhiên đến nay những khó khăn, bất cập này vẫn chưa được giải quyết tháo gỡ.

Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa thống nhất được quy định liên quan đến việc các trường trung cấp có được tiếp tục tổ chức dạy văn hóa hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT hay không.

"Điều này gây khó khăn cho việc tuyển sinh, giảng dạy, ảnh hưởng đến chính sách phân luồng học sinh sau cấp THCS, đồng thời cũng ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên đang dạy văn hóa cấp THPT tại các trường trung cấp", nữ đại biểu tỉnh An Giang nhìn nhận.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thống nhất về vấn đề này theo hướng tiếp tục cho phép tổ chức dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thêm cơ hội để học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương trong đó có An Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem