Phát huy hiệu quả tài sản công ở các phân hiệu trường nghề
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Cần phát huy hiệu quả tài sản công ở các phân hiệu trường nghề
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 10/08/2022 06:15 AM (GMT+7)
Phát huy hiệu quả tài sản công ở các phân hiệu trường nghề không phải ở việc cho thuê, không phải ở việc xin thêm biên chế. Hiệu quả tài sản công phải từ kế hoạch hoạt động cụ thể, căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ để tạo ra nguồn thu.
Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh như thế trong chuyến khảo sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nguồn lực đất đai và tài sản công ở các phân hiệu trường nghề phía Nam mới đây.
Chưa phát huy hết hiệu quả tài sản công
Chuyến khảo sát của Đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Chủ tịch Lương Quốc Đoàn dẫn đầu đã làm việc với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam, phân hiệu tỉnh Long An; khu đất Phân hiệu Trường Trung cấp tại Bà Rịa -Vũng Tàu và phân hiệu Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tại Đồng Nai.
Phân hiệu trường Trung cấp Nông dân Việt Nam, tỉnh Long An (gọi tắt: Phân hiệu Long An) trực thuộc Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam. Phân hiệu Long An được đầu tư xây dựng năm 2013, với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng; có nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Đại - Uỷ viên Ban Chấp hành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết, phân hiệu Long An có diện tích 4,2ha. Diện tích xây dựng khoảng 1ha. Vẫn còn hơn 3ha đất chưa sử dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, hiện nay, một số hạng mục của phân hiệu bắt đầu xuống cấp.
Theo ông Đại, Phân hiệu Long An nằm ở vị trí khá thuận lợi khi cách TP.HCM chỉ hơn 20km. "Chuyến khảo sát lần này nhằm đánh giá lại thực trạng, tham vấn Trung ương Hội để có định hướng nhằm tận dụng tốt hơn cơ sở vật chất, gia tăng nguồn thu", ông Đại nói.
Ông Lê Văn Tấn – Giám đốc Phân hiệu Long An cho biết, thời gian dịch Covid-19, Phân hiệu được trưng dụng làm khu cách ly phòng chống dịch. Tỉnh Long An vừa bàn giao lại vào tháng 3/2022.
Ông Tấn cho rằng, để phát huy hiệu quả của Phân hiệu Long An cần có điều kiện kèm theo.
Phân hiệu Long An có giá trị tài sản lớn nhưng chỉ có 1 biên chế (là ông Tấn) thực hiện quản lý. Nhân sự quá mỏng nên khó đảm đương hết công việc.
Vì thế, ông Tấn đề xuất bổ sung thêm biên chế. Đồng thời cần tăng cường lực lượng giáo viên cơ hữu vì lâu này phân hiệu chỉ thuê giáo viên bên ngoài.
Ông Tấn cũng đề nghị có cơ chế phân cấp, ủy quyền trong hoạt động của Giám đốc phân hiệu, nhằm tạo thuận lợi trong kêu gọi kết hợp đầu tư. Đôi khi việc báo cáo ra Trung ương khiến tiến độ thương thảo hợp đồng bị chậm trễ.
Đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do Chủ tịch Lương Quốc Đoàn dẫn đầu khảo sát cơ sở vật chất Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam, phân hiệu tỉnh Long An. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tại Đồng Nai, Phân hiệu Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam khu vực phía Nam có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam cho biết Phân hiệu khu vực phía Nam là đơn vị sự nghiệp có thu; trực thuộc Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng theo phân cấp quản lý của nhà Trường.
Khởi công từ năm 2017, đến nay, công trình xây dựng cơ sở vật chất Phân hiệu Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam khu vực phía Nam đã hoàn thành. Dự án có tổng diện tích hơn 2,8ha; vẫn còn 1,57ha chưa xây dựng.
Còn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích lô đất 2,3ha để xây dựng Phân hiệu Trường Trung cấp tại tỉnh này đã giao đất từ lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Phát huy hiệu quả tài sản công bằng kế hoạch cụ thể
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Nghị quyết 19 của Trung ương tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và tự chủ tài chính.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị các phân hiệu cần có kế hoạch khai thác hiệu quả tài sản công và nguồn lực đất đai theo đúng mục đích, chức năng, nhiệm vụ.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn phân tích, quy định không cấm việc các phân hiệu trường nghề phối hợp tổ chức dạy nghề. Vì đây là chức năng, nhiệm vụ có sẵn.
Nhiều đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Nông dân không sử dụng ngân sách, số lượng biên chế ít nhưng vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với hàng trăm nhân sự, như báo Nông thôn Ngày nay là một ví dụ.
"Việc quan trọng là có định hướng và kế hoạch phát triển cụ thể, chứ không xin bổ sung thêm biên chế chỉ để trả lương", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Quỹ đất trống ở các phân hiệu chưa sử dụng có thể tận dụng là khu trình diễn hoặc kết hợp cùng doanh nghiệp tổ chức dạy nghề lái xe...
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho rằng, phối hợp với doanh nghiệp là hướng đi đúng. Vì doanh nghiệp có nguồn lực, vừa giúp phân hiệu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ vừa giúp tạo thêm nguồn thu.
"Bản thân doanh nghiệp cũng có nhu cầu đào tạo nghề cho nhân sự của họ trong khi các phân hiệu có cơ sở vật chất", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn gợi ý.
Với trường hợp của Phân hiệu Long An, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng việc báo cáo hoạt động với hiệu trưởng nhà trường là cần thiết vì liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Lãnh đạo nhà trường và phân hiệu phải phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc. Nhà trường có thể nghiên cứu việc phân cấp, ủy quyền để phân hiệu hoạt động linh hoạt, hiệu quả nhưng phải kiểm soát hoạt động của phân hiệu theo đúng quy định pháp luật.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhắc lại quan điểm, các phân hiệu cần chủ động kế hoạch cụ thể để khai thác hiệu quả tài sản công.
Việc phát huy hiệu quả tài sản công không phải ở việc cho thuê cơ sở vật chất, không phải ở việc xin thêm cơ chế. Hiệu quả tài sản công phải từ kế hoạch hoạt động cụ thể, căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ.
"Kế hoạch cụ thể, hiệu quả không chỉ giúp tạo thêm nguồn thu cho phân hiệu mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.