Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về nông nghiệp hữu cơ như thế nào?

Anh Thơ (thực hiện) Thứ năm, ngày 13/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh) đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, và khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển các vùng sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là không phát triển tràn lan, mà xác định các đối tượng chủ lực ở những vùng hội đủ mọi điều kiện.
Bình luận 0
“Điểm tựa” cho nông nghiệp hữu cơ bứt phá (bài cuối): Không thể làm nông nghiệp hữu cơ một cách hình thức - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được coi là một xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Ở nhiều nước, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp hữu cơ lên đến 15%. Bộ trưởng nhận định về xu hướng này như thế nào?

- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là trào lưu của thế giới trong 10 năm trở lại đây, hiện, tổng diện tích canh tác hữu cơ trên thế giới đạt khoảng 71 triệu ha, chiếm 1,5% tổng diện tích canh tác và tiếp tục còn tăng lên trong thời gian tới. Theo Tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), hiện có 186 quốc gia phát triển sản phẩm hữu cơ.

“Điểm tựa” cho nông nghiệp hữu cơ bứt phá (bài cuối): Không thể làm nông nghiệp hữu cơ một cách hình thức - Ảnh 2.

Sản xuất rau hữu cơ ở Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: T.L

"Quan điểm của Bộ là tập trung xác định một số đối tượng cây - con chủ lực để sản xuất hữu cơ ở những khu vực hội tụ đủ các điều kiện đầu vào, không phát triển tràn lan, hình thức".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Sở dĩ phát triển nông nghiệp hữu cơ được coi là 1 trong những xu hướng tiến bộ và tất yếu của thế giới là vì nó đã tạo ra những giá trị căn cốt, mang tính bền vững. Thứ nhất, sản xuất hữu cơ đã tạo ra dòng sản phẩm rất bổ ích, dinh dưỡng, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên trong suốt quá trình canh tác nông nhiệp; thứ hai là phương thức canh tác hữu cơ cũng đảm bảo đa dạng sinh học. Vì vậy, canh tác hữu cơ không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn tốt cho người sản xuất, tốt cho phát triển trong hiện tại và tương lai.

Trong dòng chảy chung của xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới, Việt Nam đã có những chuẩn bị như thế nào để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, thưa Bộ trưởng?

- Việt Nam tất nhiên không đứng ngoài dòng chảy chung đó, trong 4 năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ được thúc đẩy phát triển nhanh, từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ.

Nếu như năm 2017, lần đầu tiên một diễn đàn lớn về sản xuất hữu cơ được tổ chức thì chỉ sau đó một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Sau đó, Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư hướng dẫn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2%; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa... Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

Điều đáng mừng là, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được các thành phần kinh tế, bà con nông dân hưởng ứng. Đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có tố chức nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 233.000ha, huy động được 60 doanh nghiệp tham gia trực tiếp sản xuất, có 200 hợp tác xã, 173.000 nông dân sản xuất hữu cơ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ đạt 330 triệu USD.

Chúng ta cũng đang đứng trước cơ hội xuất khẩu sản phẩm hữu cơ rất lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. EU là thị trường lớn, trong quy mô thương mại nông sản hữu cơ thế giới thì riêng thị trường EU chiếm đến 50%. Nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt thì hoàn toàn có thể thâm nhập được vào thị trường này.

Xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt được mục tiêu mà đề án của Thủ tướng đã đặt ra?

- Trong đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu phát triển cho từng nhóm nông sản trên cả quy mô, diện tích, giá trị. Hiện, Bộ NNPTNT đang phối hợp với các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ để triển khai đề án.

Cụ thể, chúng tôi hướng dẫn các tỉnh ở những vùng, khu vực có lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hữu cơ.

Phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Ví dụ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp hữu cơ; phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo nguồn lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp hữu cơ. Quan điểm của Bộ là tập trung xác định một số đối tượng cây – con chủ lực để sản xuất hữu cơ ở những khu vực hội tụ đủ các điều kiện đầu vào, không phát triển tràn lan, hình thức.

Nhưng nói như thế không có nghĩa sản xuất hữu cơ là cái gì đó cao siêu, nông dân, hợp tác xã đều có thể làm được miễn là tuân thủ đúng quy trình, đẩy mạnh liên kết thì sẽ tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn an toàn và bền vững.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cả nước có 237.693ha sản xuất hữu cơ

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019.

Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người.

Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

P.V

Ông Lê Anh Dũng - Trưởng Ban Xã hội Dân số và Gia đình (T.Ư Hội NDVN):

Liên kết nông hộ nhỏ lẻ phát triển nông nghiệp hữu cơ

Giải pháp của Hội ND phải bám sát, kết hợp cùng các giải pháp của Chính phủ. Các cấp Hội ND phải đẩy mạnh liên kết các nông hộ nhỏ lẻ lại. Đây là vấn đề mà Chính phủ đang cần chúng ta thực hiện. Cũng như đề xuất quy hoạch vùng nông nghiệp hữu cơ, nếu còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì khó đảm bảo chi phí đầu tư. Cuối cùng là tập trung xây dựng mô hình điểm, hiệu quả và quy mô. Đây mới là giải pháp đột phá để Hội ND tham gia.

Ông Đoàn Văn Thanh - Phó chủ tịch Hội ND TP.HCM:

Hỗ trợ tài chính cho các mô hình

Phải xác định được vùng sản xuất chính, có lợi thế sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, xây dựng quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng chưa hoặc ít bị ô nhiễm. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, lãi vay cho các chủ thể đang trong giai đoạn xử lý đất để chuyển sang canh tác hữu cơ. Cũng như hỗ trợ chi phí đăng ký chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Bà Trương Thị Kim Phượng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Cầm tay chỉ việc giúp nông dân

Để vận động nông dân áp dụng, thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách hiệu quả, đòi hỏi các cấp Hội ND phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng "cầm tay chỉ việc". Phải tạo được lòng tin và thỏa mãn được tâm lý của nông dân, để họ không chỉ nghe rõ, mà phải nhìn thấy, cầm nắm được. Nghĩa là, ngoài việc tập huấn, bồi dưỡng kiến kiến thức còn phải tổ chức lại sản xuất, có mô hình để hướng dẫn, hỗ trợ và đầu tư vật chất và liên kết tiêu thụ ổn định.

Nguyên Vỹ (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem