Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo giải trình trước Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Sau khi thông tin về những thiệt hại, tình hình của dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam và các nước xung quanh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu về giải pháp.
Theo ông, thứ nhất, sẽ cố gắng không để lan tỏa bệnh này. “Biện pháp an toàn sinh học có thể nói là “vũ khí” duy nhất để ngăn chặn dịch đến giờ phút này. Tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn nếu làm triệt để giải pháp an toàn sinh học thì chưa xảy ra dịch. Nếu làm được việc này chúng ta sẽ ngăn không để dịch lan ra tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết thêm, ở nhóm biện pháp thứ nhất, với khu vực những hộ chăn nuôi lớn phải gia cố thêm những điều kiện đảm bảo an toàn hơn quyết liệt hơn, nhất là với đàn lợn giống để khi tình hình ổn định có điều kiện tái đàn.
“Đây là biện pháp thứ nhất đang được tập trung chỉ đạo cùng với công tác thú y của các biện pháp thú y để ngăn chặn”, Bộ trưởng nói.
Biện pháp thứ hai là giảm quy mô thiệt hại về kinh tế bằng các giải pháp: Thứ nhất, hiện nay có gần 94% đàn lợn “sạch”, không bị bệnh, như vậy phải làm sao để tuyên truyền cho người dân không quay lưng với tiêu thụ thịt lợn. Làm được điều này sẽ giúp cho thị trường chúng ta không bị xuống giá lúc này và đề phòng sốt vào quý 3 và 4 khủng hoảng thiếu vì nhiều nước xung quanh giá thịt lợn đã cao.
“Vừa qua theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp để họp bàn dự trữ thịt đông lạnh. Nếu doanh nghiệp nào có điều kiện tập trung vào việc này, Chính phủ sẽ có những chính sách khuyến khích”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Vẫn nằm trong nhóm giải pháp giảm thiểu thiệt hại kinh tế, theo Bộ trưởng sẽ thực hiện bằng cách không tăng đàn vào thời điểm này kể cả với quy mô chăn nuôi hộ nhỏ và quy mô chăn nuôi hộ lớn, bởi tăng đàn lúc này nguy cơ rất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, sẽ tập trung thúc đẩy các nhóm tăng trưởng khác của khu vực chăn nuôi. Đó là chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi gia cầm, thủy sản, trên cơ sở nguy tắc tăng trưởng phải có sự liên kết để chống rủi ro nguy cơ về dịch bệnh, rủi ro về thị trường, nếu không chăn nuôi ồ ạt dễ dẫn tới sản phẩm ra thị trường bị xuống giá.
Về giải pháp trung hạn hơn, Bộ trưởng Cường cho biết, sẽ thúc đẩy nhanh các nghiên cứu khoa học. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu lớn, các nhà khoa học đang tập trung vào những giải pháp an toàn sinh học…
Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các ngành tính toán hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại. ”Nhà nước sẽ cố gắng tối đa trong điều kiện cho phép”, Bộ trưởng Cường nói.
Nói về giải pháp căn cơ hơn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thủ tướng đã giao cho ngành Nông nghiệp tổng kết chiến lược 10 năm phát triển ngành chăn nuôi (2010 -2019), trên cơ sở đánh giá tình hình nhu cầu của thế giới, tình hình nền kinh tế Việt Nam, với điều kiện biến đổi khí hậu để xây dựng một kịch bản chiến lược mới cho ngành chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.