Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du

Khương Lực Chủ nhật, ngày 11/10/2020 11:04 AM (GMT+7)
Trước nguy cơ lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du.
Bình luận 0

Trước ảnh hưởng của hoàn lưu do bão số 6 đổ bộ vào trong ngày 11/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực miền Trung tiếp tục hứng chịu những trận mưa lớn, trong đó khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có lượng mưa từ 400-700mm. 

Cùng với đó, một vùng áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên vùng biển Philippines, khả năng sẽ mạnh lên thành bão trong các ngày từ 17-18/10 và khả năng tiếp tục đổ bộ vào khu vực miền Trung. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tuân thủ nghiêm ngặt  quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du - Ảnh 1.

Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du

Sáng 11/10, DANVIET.VN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để làm rõ tình hình và công tác ứng phó trong những ngày tới.

Ông nhận định như thế nào về đợt mưa lớn và tình hình diễn biến phức tạp khi lại chuẩn bị đón những cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các hình thái thời tiết phức tạp trong thời gian tới? 

Chúng ta thấy đợt mưa từ ngày 5-10/10 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... bị thiệt hại rất nặng. Thậm chí, Thừa Thiên - Huế đã vượt mốc lịch sử của những năm vừa qua cho thấy đợt mưa này rất lớn.

 Có những nơi mưa tới 700-800mm, cá biệt có nơi trên 1.000mmm. Cộng hưởng tiếp tới đây là cơn bão số 6 và hoàn lưu mưa sau bão lại rơi đúng vào vùng này. 

Trước tình hình đó, cần tăng cường các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, tập trung khắc phục những khu vực dân cư bị ngập lụt, đặc biệt là hạ lưu sông vì hầu hết đều ở mức báo động 3; cố gắng trong thời gian sớm nhất không để cho bà con màn trời, chiếu đất, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Thứ hai, tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, nhất là chỗ Quảng Trị, cần tiếp tục rà soát những vùng khác vì chúng ta vẫn còn tới 11 người bị mất tích, cố gắng làm sao không để xảy ra thiệt hại về tính mạng đối với người dân.

Thứ ba, khi nước rút, đề nghị tập trung các nhóm giải pháp phục hồi sản xuất và nhất là vấn đề môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.

Thứ tư, chuẩn bị tích cực cho ứng phó đợt tới của những hiện tượng dị thường tới đây. Theo dự báo gần khoảng ngày 17-18/10, chính vùng này sẽ tiếp tục có những đợt ảnh hưởng của áp thấp và cũng không loại trừ khả năng hình thành cơn bão mới ở chính vùng này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tuân thủ nghiêm ngặt  quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du - Ảnh 2.

Trước tình hình mưa lũ lớn kéo dài ,gây ngập lụt kéo dài ở miền Trung, ngày 11/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp để thống nhất tất cả các biện pháp tập trung ứng phó, khắc phục.

Một điểm nữa là tất cả các đơn vị, các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phải tập trung xuống cơ sở, nhất là các tỉnh miền Trung này để phối kết hợp, làm sao đảm bảo giao thông, đảm bảo phương án điện, phương án cứu hộ, cứu nạn, phương án cứu trợ người dân, phương án khắc phục sau khi nước rút không để dịch bệnh xảy ra. 

Tất cả phải tập trung vào để làm sao chúng ta không chỉ ứng phó cho đợt này mà theo phương châm chỉ đạo và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị những cơ sở tốt nhất để chúng ta có thể chủ động ứng phó cho những hiện tượng dị thường của thời gian tới đây.

Ngay trong ngày hôm nay, với diễn biến phức tạp của bão số 6 và mưa lũ đã xảy ra 5 ngày qua và tiếp tục chuẩn bị hứng chịu cơn bão số 6 và mưa lớn sau hoàn lưu bão, theo ông, người dân ở khu vực miền Trung cần tập trung ứng phó như thế nào?

Trước tình hình tác động mưa, lũ kép: 5 ngày vừa qua mưa lũ, mức nước rất cao và ảnh hưởng của bão số 6 và hoàn lưu, riêng khu vực miền Trung phải chú ý đặc biệt, một là tất cả các hồ chứa, nhất là hồ chứa ở khu vực Thừa Thiên - Huế hiện đang ở mức nước cao, tất cả các khu vực này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du.

Thứ hai, khu vực sườn Tây, khu vực miền núi tập trung ứng phó để không để xảy ra tình trạng thiệt hại do lũ ống, lũ quét. Bởi, nguy cơ rủi ro này rất cao và tới đây mưa tiếp tục xảy ra.

Thứ 3, tất cả các phương tiện, các hoạt động kinh tế biển phải tập trung chú ý. Những ngày tới tiếp tục hoàn lưu bão số 6, còn gió và mưa to, nếu không chú ý lại xảy ra rủi ro ở phía cửa biển.

Riêng với sản xuất, đời sống, những vùng đã ngập lụt thì cố gắng làm sao khi nước rút đến đâu thì chúng ta phải tổ chức sớm nhất để kịp thời phục hồi sản xuất, kể cả trồng trọt, chăn nuôi , thủy sản. 

Đặc biệt, phải chú ý xử lý môi trường, không để dịch bệnh trên nền tảng úng lụt, nguy cơ đó xảy ra đối với đời sống người dân. Một điểm nữa là rà soát công tác cứu trợ, không để người dân bị thiếu đói trong lúc này.

Việc đảm bảo thông tuyến giao thông, điện thì sao, thưa Bộ trưởng?

Riêng về thiết chế hạ tầng, đặc biệt giao thông và điện năng yêu cầu hai ngành này phải tập trung chỉ đạo sớm nhất phải phục hồi toàn bộ hệ thống giao thông để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn, công tác phục hồi ngập úng được nhanh nhất.

Thứ hai, ngành điện lực cần rà soát toàn bộ những nơi nào bị gián đoạn, hỏng để cố gắng khắc phục trong thời gian nhanh nhất để tạo điều kiện cho công tác ứng phó, xử lý sau khi ngập lụt cũng như phục hồi sản xuất và đời sống nhanh nhất.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem