3 vấn đề “nóng” chất vấn Bộ trưởng giáo dục sáng mai

Tùng Anh Thứ ba, ngày 15/11/2016 17:00 PM (GMT+7)
Sáng mai (16.11), Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về 3 vấn đề “nóng” trong lĩnh vực giáo dục đang được xã hội quan tâm.
Bình luận 0

Cụ thể, người đứng đầu ngành giáo dục sẽ phải giải đáp những thắc của Đại biểu Quốc Hội cả nước về các nhóm nội dung sau:

Thứ nhất: Việc thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp.

Thứ hai: Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.

Thứ ba:  Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, ở nhóm nội dụng thứ nhất, mới đây, Chính phủ vừa phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trong đó điểm nhấn là việc cơ cấu đào tạo các hệ ĐH sẽ được rút ngắn từ 4 – 6 năm xuống còn từ 3 – 5 năm. Thời gian đào tạo CĐ thay vì ấn định 3 năm, nay là 2 - 3 năm. Sự thay đổi này khiến dư luận đặt câu hỏi lo ngại việc rút ngắn thời gian đào tạo có ảnh hưởng đến chất lượng cử nhân sau khi ra trường?

Trong đổi mới về chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Bộ GD ĐT cho phép và khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Nhà trường và giáo viên được chủ động lựa chọn. Thay đổi này cũng dẫn đến nhiều lo lắng: Liệu có sự nhốn nháo, cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường sách giáo khoa? Trường, phụ huynh có gặp khó khăn trong việc lựa chọn sách phù hợp cho con em mình?

Trong vấn đề quản lý chất lượng đào tạo ĐH, thời gian vừa qua, Bộ GD ĐT cũng có nhiều chính sách đổi mới: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường ĐH CĐ; cơ chế dành cho các trường đào tạo vì lợi nhuận và phi lợi nhuận…

img

Nhiều đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được dư luận quan tâm (ảnh minh họa: IT)

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là thay đổi phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Tháng 9 vừa qua, Bộ GD ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 với nhiều điểm mới: Thay bằng 4 môn thi như các năm trước, Bộ yêu cầu thí sinh thi 3 bài thi độc lập bắt buộc cho các môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ và chọn một trong số hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt hơn, trừ môn Văn thi bằng hình thức tự luận, tất cả các môn thi còn lại sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm. Đối với tuyển sinh ĐH CĐ, các trường sẽ có 4 phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn trước. Bộ GD ĐT cũng cam kết sẽ có phần mềm chống ảo để hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh.

Vấn đề khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi ở Bộ GD ĐT trong những thay đổi này là: Việc chuyển từ hình thức thi tự luận truyền thống sang thi trắc nghiệm có quá sức với học sinh khi chương trình giảng dạy chưa đổi mới kịp? Những môn đặc thù như Sử, Địa, Giáo dục công dân có nên thi trắc nghiệm không? Việc tổ chức thi mỗi tỉnh một cụm thi có gây tiêu cực không? Cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn có dẫn đến vỡ trận vì…thí sinh ảo không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem