Bộ trưởng Tiến: Bộ Y tế đơn độc trong ngăn chặn nạn hành hung bác sĩ

Diệu Linh Thứ tư, ngày 25/10/2017 14:38 PM (GMT+7)
Trả lời báo chí về các vụ hành hung bác sĩ liên tiếp xảy ra, ngày 25.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân mình đều có lỗi và người thiệt hại nhất chính là những bệnh nhân"
Bình luận 0

Bộ trưởng chia sẻ, gần đây có nhiều vụ hành hung bác sĩ nghiêm trọng như vụ người bố đánh bác sĩ đang cấp cứu cho con mình tại Thạch Thất (Hà Nội), giám đốc doanh nghiệp ở Nghệ An tát nữ bác sĩ tại Bệnh viện 115 (Nghệ An). Ngay ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam 20.10, một nữ nhân viên y tế Trần Thị Thanh Hải tại Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, bị chém trọng thương chỉ vì từ chối truyền dịch cho bệnh nhân vì anh ta sặc mùi rượu. Hoặc ngày 23.10, bác sĩ Trần Thanh Sơn (Bệnh viện đa khoa Đồng Hới (Quảng Bình) vì lao vào can ngăn một vụ hành hung ngay tại viện mà bị người nhà bệnh nhân đánh đa chấn thương.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế đang kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt, chăm sóc sức khỏe người dân tại Yên Bái 

“Tôi rất bức xúc về các vụ việc này. Về phương diện an ninh trật tự, hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Đồng thời đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân mình đều có lỗi và người thiệt hại nhất chính là những bệnh nhân. Đây cũng là thể hiện sự xuống cấp về đạo đức nghiêm trọng”.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với công an tổ chức các buổi hội thảo về bạo lực trong bệnh viện đồng thời cũng có chỉ đạo nhiều công văn và chỉ đạo các bệnh viện về vấn đề an ninh bệnh viện và phối hợp với công an phường nhưng chưa hiệu quả. Nhiều bệnh viện đặt cả camera theo dõi để khi có bạo lực thì đưa lực lượng vào can thiệp nhưng vẫn không hạn chế được. Có vụ bệnh viện gọi công an nhưng khi công an đến thì vụ việc đã xong, các bác sĩ đã bị thương tích.  

“Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Bệnh nhân thì đòi được khám ngay, còn lấy điện thoại để quay và ghi âm để xem bác sĩ sơ sểnh gì thì đưa lên mạng, tố cáo thì làm sao bác sỹ yên tâm khám chữa bệnh được. Khi đó bác sỹ sẽ không sáng suốt khi khám chữa bệnh” – Bộ trưởng nói.

img

Nữ nhân viên y tế Trần Thị Thanh Hải bị bệnh nhân chém ngày 20.10

Theo Bộ trưởng Tiến, hiện các cơ quan chức năng chưa thực sự ủng hộ trong việc bảo vệ bác sĩ. “Chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an, mời cơ quan chức năng cùng vào cuộc quyết liệt tuy nhiên chúng tôi không thấy tình trạng hành hung bác sĩ giảm mà vẫn thấy tăng. Nếu để tình trạng này xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sỹ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa xôi hơn nữa bệnh nhân mới là người thiệt thòi. Đến thời điểm này tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong việc tìm các biện pháp ngăn chặn nạn hành hung bác sĩ” - Bộ trưởng bức xúc.

Bộ trưởng Tiến tha thiết mong muốn dư luận, truyền thông và các cơ quan chức năng tuyên truyền, lên án các hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế, các cơ quan chức năng có các biện pháp ngăn chặn, trừng trị, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung bác sĩ. Cụ thể như vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Bộ Y tế đã xuống tận nơi đề nghị xử lý nghiêm và phạt tù, bắt giam đối tượng hành hung bác sỹ.

“Vấn đề hành hung người đang thi hành công vụ tại các cơ sở hành chính sự nghiệp quy định trong luật khám chữa bệnh, cũng được quy định trong các luật dân sự khác. Nhưng vấn đề là các giải pháp và biện pháp xử lý, chúng tôi nghĩ ngoài các chỉ thị công văn yêu cầu của Bộ về an ninh bệnh viện, còn cần phải lên án các vụ việc này và giáo dục về tư tưởng thái độ và xử lý nghiêm thậm chí hình sự những kẻ hành hung bác sĩ”.

                                                                                    Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem