Hải Phòng mong muốn bán vé
Theo đề án của UBND TP Hải Phòng thì việc bán vé thu tiền là rất cần thiết, thậm chí "sống còn với việctổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo đề án, hiện kinh phí cho hoạt động lễ hội không lấy từ ngân sách nhà nước. Do vậy, toàn bộ kinh phí dành cho hoạt động lễ hội chọi trâu khoảng 10 năm trở lại đây đều từ nguồn huy động xã hội hóa. Nguồn kinh phí cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ nguồn của phường và quận. Phường có các nguồn như: đóng góp của chủ trâu, huy động đóng góp tài trợ từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và trích tỷ lệ thu từ tiền bán vé. Ban tổ chức lễ hội quận trích 15% tiền vé vòng loại và 10% của vòng chung kết (sau khi trừ hoa hồng bán vé, chi phí in ấn vé, phí bảo hiểm khách xem lễ hội) để hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội của các phường (mức trích cụ thể tính theo số trâu tham dự của phường tại mỗi vòng đấu). Cấp quận huy động tài trợ doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy kiểm tra an toàn tại sân vận động tổ chức chọi trâu sau sự cố chết người tại vòng loại lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn 2017
“Trong quá khứ, đây là lễ hội truyền thống với sự đóng góp của người dân, là hoạt động chung của cộng đồng người dân. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc có một hoạt động chọi trâu tại sân vận động có bán vé đã diễn ra hàng chục năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có thu phí, thay vì khoản đóng góp theo đầu người như xưa kia. Với thực tiễn mới này, cần được nhìn nhận phần thu phí tại một phần của lễ hội tổng thể, là loại dịch vụ có thu”- trích đề án.
Theo đề án, quy mô trâu chọi vào chung kết vẫn giữ 16 trâu. Giá vé được dự kiến đưa ra là 80.000 đồng/vé vòng loại, 150.000 đồng/vé vòng chung kết.
Cũng theo đề án, việc bán vé được coi như một giải pháp quản lý, bởi nếu để tự do vào cửa sẽ dẫn đến quá tải, mất kiểm soát. “Bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiếm soát đám đông hiệu quả, tránh tình trạng dồn ứ giữa trong sân và ngoài sân; tránh tạo tâm lý tranh đua giữa nhóm được vào xem và nhóm không được vào xem”- trích đề án.
Chưa kể, theo địa phương, việc phát vé vào cửa miễn phí cũng dễ nảy sinh tiêu cực.
Bán vé lễ hội là vi phạm quy định
Điều 16 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 quy định về vi phạm điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có nêu rõ: cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Như vậy, việc bán vé đối với lễ hội truyền thống như Chọi trâu Đồ Sơn là không hợp lý.
Bộ VHTTDL không đồng ý bán vé xem lễ hội (ảnh Thế Công)
Ngoài việc bán vé, đề án này cũng chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Theo đó, trong nhiều buổi làm việc, sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã yêu cầu UBND TP Hải Phòng lấy ý kiến các nhà khoa học để xây dựng đề án, trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc nên bỏ phần vòng đấu loại Lễ hội Chọi trâu.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Bộ VHTTDL đã nhận được Đề án quản lý và tổ chức lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Đề án có phần bán vé vào cửa xem chọi trâu. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 15 và Nghị định 28/2017 thì không được bán vé thu tiền lễ hội.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, trong cuộc làm việc với UBND TP Hải Phòng sáng 6/6, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã yêu cầu phải xem lại vấn đề bán vé lễ hội Chọi trâu. “Quan điểm của Bộ VHTTDL là không bán vé bất cứ lễ hội truyền thống nào”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, trong tuần này, Bộ VHTTDL sẽ chính thức có văn bản về vấn đề này./.
Hoàng Nguyên (Tổ Quốc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.