Bộ VHTT&DL “tuýt còi” vụ thay cổng sắt “ngoại lai” tại di tích đình Tây Đằng

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 08/03/2021 14:23 PM (GMT+7)
Ngày 5/3, bà Vũ Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ VHTT&DL đã ký công văn về việc thay cổng sắt tại Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.
Bình luận 0

Công văn ghi rõ, Cục Di sản Văn hóa đã nhận được công văn số 499 ngày 4/3/2021 của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội về việc thay cổng sắt tại Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Toàn cảnh cổng mới của đình Tây Đằng gây phản ứng.

Toàn cảnh cổng mới của đình Tây Đằng gây phản ứng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình.

Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở VH&TT Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở... các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, kết hợp tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di sản văn hóa.

Nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ di tích nhằm bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về di sản, về văn hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội ký văn bản số 499 ngày 4/3 gửi Uỷ ban nhân dân huyện Ba Vì.

Lãnh đạo Sở nêu nhận được thông tin phản ánh về việc thay cánh cổng sắt tại di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng không phù hợp với cảnh quan di tích. Đây là chiếc cổng sắt có hoa văn sơn vàng giống cánh cổng nhiều ngôi nhà, biệt thự thường dùng.

Lãnh đạo Sở đề nghị UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra di tích đình Tây Đằng theo nội dung phản ánh và có báo cáo gửi về Sở trước ngày 9/3 để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ VHTT&DL.

Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, trong đó có diễ đàn Đình làng Việt, nhiều ý kiến phản đối việc thay cổng đình Tây Đằng bằng một dạng cổng mang văn hoá "trọc phú".

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng: "Thực ra, cổng không thuộc vùng lõi của di tích. Nhưng cách làm không theo một quy trình nào cả. Giá trị thẩm mỹ của đình là giá trị tổng thể. Cổng đình là bộ mặt đầu tiên của đình, lại đưa một chiếc cổng hoàn toàn được nhân bản ở các biệt thự, biệt phủ… của tư nhân, mang dấu ấn của văn hoá "trọc phú". Như vậy là không đúng với tinh thần và truyền thống văn hoá của người Việt".

Phần nội thất bên trong của đình Tây Đằng.

Phần nội thất bên trong của đình Tây Đằng.

Một số ý kiến tỏ ra bức xúc trước việc kết hợp "dị, độc" của đình Tây Đằng: "Đông tây kim cổ kết hợp", "Nom như cổng của mấy nhà đại gia ở quê", "Họ mang cả cái mốt, trào lưu nhất thời của đám đông, hoa lá tây vào văn hóa di sản Việt", "Như mặc comle xong đi dép tổ ong", "Văn hóa nước nào chứ không phải nước ta"...

Đình Tây Đằng chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc và độc đáo, được xem như bảo tàng nghệ thuật dân gia của thế kỷ XVI. Ngôi đình gần 500 năm tuổi này là một trong số ít công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Ban đầu đình được xây dựng bằng gỗ mít, nhưng trong quá trình tu bổ có đưa thêm gỗ lim vào. Kiến trúc đình hình chữ nhật, gồm Nghi Môn và Đại Bái. Điều đặc biệt là hơn 1.300 chi tiết chạm khắc ở đình không hề trùng nhau, không được sắp đặt đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở các ngôi đình khác. Đây cũng là một trong những địa chỉ thu hút du khách về tham quan và nghiên cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem