Tuy nhiên, Bộ NNPTNT khuyến cáo nên bỏ vụ lúa xuân hè vì có nhiều rủi ro do đất không có thời gian nghỉ và đốt đồng gây ô nhiễm môi trường cũng như lãng phí lượng chất hữu cơ cho đồng ruộng. Làm đất vội còn dẫn đến nhiều cỏ dại năng suất thấp.
Bộ NNPTNT đã lên kế hoạch các tỉnh ĐBSCL chuyển từ 100.000 - 200.000ha lúa xuân hè sang trồng màu như bắp, đậu nành, mè… và sau đó làm lúa hè thu. Những nơi không có điều kiện sản xuất màu thì làm lúa hè thu chính vụ cho đất có thời gian sau khi sản xuất lúa đông xuân.
Nên cày vùi gốc rạ vào đất khoảng 30 ngày trước khi gieo sạ sẽ giúp tăng năng suất lúa.
Thông thường các tỉnh vùng phù sa ngọt bắt đầu xuống giống vụ hè thu từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. Các tỉnh ven biển như Bạc Liêu thì xuống giống khoảng đầu tháng 5.
Làm đất nên cày, sau đó trục và san bằng mặt ruộng. Đối với đất ít phèn có thể cày sâu khoảng 20 – 25cm để làm tăng tầng canh tác đất và tăng khả năng khoáng hóa chất hữu cơ, giảm ngộ độc phèn cho cây lúa.
Ruộng phèn nặng, không nên cày sâu vì sẽ làm cho tầng phèn lên trên mặt ruộng gây độc cây lúa. Nên cày vùi gốc rạ vào đất khoảng 30 ngày trước khi gieo sạ. Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu cày vùi gốc rạ làm gia tăng năng suất lúa 19% so với đốt rơm rạ hoặc cày ải vùi gốc rạ chỉ trước đó 15 ngày.
Xung quanh bờ ruộng phải đào mương thoát phèn. Đào hệ thống mương thoát nước và thoát phèn trong từng lô ruộng để chủ động tháo nước khi cần thiết và rửa phèn. Cho nước thủy triều ra vào nhiều lần để tăng lượng phù sa và xả phèn trong ruộng.
Chọn giống lúa nên gắn với thị trường xuất khẩu. Ở ĐBSCL có nhiều giống đã phát triển mạnh, trở thành giống chủ lực hoặc giữ vị trí quan trọng trong sản xuất cho xuất khẩu như OM4900, OM5472, OM4218, OM6162, OM7347, OM6976, OM5451, GKG1, nàng hoa 9… Trong đó có 5 giống lúa chiếm diện tích dẫn đầu là OM6976, OM5451, OM4218, OM2717 và Jasmine 85.
Bón phân lót trước khi kết hợp làm đất chuẩn bị ruộng cho vụ hè thu: Bón phân lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) thường khuyến cáo từ 100 – 250kg/ha tùy tình trạng đất phèn nhiều hay ít. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy cần bón cao hơn có thể làm gia tăng năng suất lúa so với bón ít hơn.
Trong điều kiện đất nhiều phèn, hoặc nhiều chất hữu cơ có thể bón thêm vôi bột (300 – 500kg/ha) trước lúc bón phân lân 1 – 2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân, giúp hạ phèn và tăng hoạt động của vi sinh vật.
TS Nguyễn Công Thành (TS Nguyễn Công Thành)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.