Bộ Y tế chia sẻ bí quyết phòng chống dịch bệnh nguy hiểm

Diệu Thu Thứ bảy, ngày 17/10/2015 14:20 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn không để các bệnh đặc biệt nguy hiểm xâm nhập như Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9).
Bình luận 0

Tại lễ phát động Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng” năm 2015 diễn ra ngày 17.10, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, chương trình trên nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như kêu gọi sự tích cực phòng chống dịch bệnh.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều bệnh dịch mới nổi và các dịch bệnh bùng phát trở lại trong những năm gần đây.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn không để các bệnh đặc biệt nguy hiểm xâm nhập như Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9). Ngoài ra, các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại... đều giảm mạnh, thậm chí trong nhiều năm không có trường hợp mắc như bệnh tả, dịch hạch; tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

img

GS.TS Nguyễn Thanh Long (bên phải) - Thứ trưởng Bộ Y tế - kiểm tra phòng chống dịch bệnh.

Cũng theo GS Long, hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới đang bùng phát. Sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, việc đô thị hóa mạnh mẽ, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi thời tiết và khí hậu cực đoan, gia tăng giao thương đi lại là những yếu tố gây bùng phát dịch bệnh. Hơn nữa, nhận thức về tiêm chủng phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của người dân chưa cao.

Do đó, để phòng chống dịch bệnh, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén...) với người nhiễm bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” cùng với hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng” nhằm nâng cao ý thức của người dân, giúp người dân chăm sóc sức khỏe, vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân…

Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cam kết: Chủ động tích cực phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh tại trung ương và địa phương; duy trì và đẩy mạnh truyền thông về dịch, bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của hội, đoàn; vận động hội viên tham gia phòng chống dịch bệnh…

Ngày 15.10 hằng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là "Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng" nhằm mục tiêu vận động người dân trên toàn thế giới chủ động giữ vệ sinh sạch sẽ, phòng tránh các bệnh dịch do thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân gây ra.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tiêu chảy giết chết 2,2 triệu trẻ em trên toàn cầu, hầu hết dưới 5 tuổi, chiếm tới 4% tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, các bệnh do virus, vi khuẩn gây nên hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng biện pháp can thiệp y tế đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả: Rửa tay với và phòng diệt khuẩn. Rửa tay với xà phòng giảm 35% lây bệnh tiêu chảy và phòng chống nhiều dịch bệnh khác như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sởi, tay chân miệng, cúm A (H5N1, H1N1), MERS-CoV…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem