TS Phu cam kết Bộ Y tế không giấu dịch mà liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh, cụ thể là bệnh do virus Ebola để người dân nắm được. Người dân không nên tin vào các tin không phải do người trong ngành y tế phát ngôn.
Theo TS Phu, bệnh do virus Ebola có các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy gan, suy thận. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu cả ra ngoài theo các hốc tự nhiên. Tuy nhiên, TS Phu cho biết có rất nhiều bệnh có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ thậm chí nôn, tiêu chảy. Do đó, yếu tố quan trọng nhất để xác định bệnh nhân có nghi ngờ bị nhiễm Ebola hay không là dịch tễ.
Người bệnh phải là người đi từ vùng dịch (4 nước Tây Phi) hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về. Các bác sĩ ở các bệnh viện cũng đã được cảnh báo, tập huấn về việc nhận biết các người bệnh có nguy cơ mắc Ebola “Cần xác định chặt chẽ yếu tố lâm sàng và đặc điểm dịch tế để chẩn đoán, sàng lọc. Nếu người bệnh đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, có các triệu chứng, sốt, đau người, nôn, tiêu chảy thì mới phải cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, sau đó mới khẳng định là có bị nhiễm Ebola hay không” – TS Phu nhấn mạnh.
TS cũng cho biết, ông khá lo ngại về tâm lý của người dân, hay hoang mang, lo lắng quá mức dễ dẫn đến tin vào các tin đồn, tin vịt thất thiệt. “Người dân cần nắm bắt thông tin do Bộ Y tế đưa ra. Bộ khẳng định sẽ cập nhật thông tin liên tục về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống để người dân kịp thời nắm bắt. Toàn bộ hệ thống y tế cũng như nhiều Bộ ngành đã được “kích hoạt” để đảm bảo các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh một cách tốt nhất” – TS Phu khẳng định.
Tính đến ngày 12.8, tại 4 nước Tây Phi đã có 1848 ca mắc bệnh do virus Ebola trong đó 1.013 ca tử vong. Cụ thể: Guinea: 506 mắc/373 tử vong; Liberia: 599 mắc/323 tử vong; Nigeria: 13 mắc/2 tử vong; Sierra Leone: 730 mắc/315 tử vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.