Ngày 7.4, số người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên 18 trường hợp, trong đó 6 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới lo ngại về việc số ca mắc trên một khu vực địa lý rộng lớn và không tìm được mối liên hệ dịch tễ học giữa các trường hợp mắc bệnh, cũng như không có dấu hiệu chứng minh sự truyền nhiễm từ người sang người.
Trước tình hình cúm A/H7N9 đang lan rộng tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chống dịch tại tất cả các tỉnh có biên giới gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Phòng… Liên tục trong các ngày cuối tuần qua, các đoàn công tác của Bộ Y tế đã liên tục đi kiểm tra công tác giám sát nhập cảnh và các biện pháp đối phó với dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư và các cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Lạng Sơn.
|
Thú y Hà Nội lập chốt kiểm soát gia cầm lậu từ Bắc Giang vào thủ đô. |
Ông Long cho biết, hiện nay, tại khu kiểm dịch sân bay Nội Bài đã có 2 máy kiểm tra thân nhiệt từ xa. 100% khách nhập cảnh đã được kiểm tra. Còn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, 100% khách nhập cảnh cũng được kiểm tra thân nhiệt.
Ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện đã bố trí sẵn sàng khu cách ly, thuốc và thiết bị y tế trong trường hợp có bệnh nhân nhiễm cúm H7N9. Bệnh viện hiện có 45 giường cấp cứu, 3.000 viên thuốc Tamiflu, 250 khẩu trang kháng virus, 250 trang phục phòng hộ, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục và 1 máy lọc máu ngắt quãng.
Tuy nhiên, ông Kính cũng cho biết, do bệnh viện nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai nên lượng bệnh nhân và người nhà ra vào đông, nếu có dịch thì việc cách ly sẽ gặp khó khăn, máy thở và máy lọc máu liên tục cũng còn hạn chế nếu có nhiều bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã hoàn tật dự thảo phác đồ điều trị virus cúm A/H7N9. Phác đồ này sẽ được hội đồng chuyên gia Bộ Y tế họp và thông qua trong tuần.
Hiện Bộ Y tế đã tuyên bố khuyến cáo phòng dịch mới tại cộng đồng. Theo đó, ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân, nơi ở, người dân không sử dụng, giết mổ gia cầm ốm chết và thông báo cho chính quyền địa phương hiện tượng gia cầm ốm chết. Khi có sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế. Người từ vùng dịch trở về Việt Nam phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.