Trước các thông tin trái chiều về chất phenol được tìm thấy trong cá nục tại Quảng Trị, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị gửi mẫu cá có phenol ra Hà Nội để các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, xác định độc tính, mức độ nhiễm độc cũng như đánh giá nguy cơ đối với sức khoẻ của người sử dụng. Đồng thời cũng kiểm nghiệm xem có sai số trong kết quả xét nghiệm hay không.
Ảnh minh họa.
Theo ông Phong, hiện Cục An toàn thực phẩm đang rà soát danh mục chất phenol ở Danh mục phụ gia thực phẩm cho phép của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam (Codex) và các nước tiên tiến khác về thành phần, hàm lượng để khẳng định chất phenol có được phép sử dụng trong thực phẩm hay không, hàm lượng ra sao?
“Hiện nay một số thuốc bảo vệ thực vật vẫn được phép tồn dư trong thực phẩm, tuy nhiên phải với hàm lượng cho phép, không được vượt ngưỡng. Cần phải xem xét cẩn thận mới có thể kết luận chính xác để không ảnh hưởng tới người sản xuất cũng như làm người tiêu dùng hoang mang” – ông Phong cho biết.
Còn TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về công nghệ thực phẩm cũng cho biết, phenol là một tổ hợp nhiều chất, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên cần phải xem xét, phenol có trong cá là do nhiễm từ nước biển hay từ quá trình bảo quản cá để chống ươn. Theo các chuyên gia hoá học, phenol được dùng nhiều trong công nghiệp như lò luyện thép, các cơ sở hoá chất, hoá dầu, tái chế nhựa… Phenol dễ hoà tan trong thực phẩm, do đó, người dân hoặc tôm, cá đều có khả năng bị nhiễm phenol.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.