Trong Công văn gửi Bộ GDĐT chiều 9/2, Bộ Y tế cho biết, các địa phương không có dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV nên tổ chức tiêu độc, khử trùng trường lớp, vệ sinh bàn ghế, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh (có nước sạch và xà phòng cho học sinh thường xuyên rửa tay) và cho học sinh đi học bình thường.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trường học nên đưa giáo dục giáo viên, học sinh và phụ huynh về cách thức phòng bệnh, ngăn ngừa bệnh do nCoV và các bệnh truyền nhiễm khác.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ GDĐT chỉ đạo các trường đưa chương trình giảng dạy về nCoV vào chương trình dạy học giúp học sinh, sinh viên biết cách phòng bệnh.
Các tỉnh không có dịch nCoV nên cho học sinh đi học sau khi đã khử trùng, tiêu độc trường lớp.
Còn đối với các địa phương có người mắc nCoV thì cần theo dõi tình hình, chỉ cho học sinh đi học trở lại sau khi trường hợp nhiễm virus Corona đã được cách ly 14 ngày và không phát sinh ca mới. Đồng thời, trường học ở các địa phương đó cũng cần phải tiến hành tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế và tuyên truyền các điều kiện phòng bệnh cho học sinh.
Trước đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo Bộ GDĐT về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Hầu hết các tỉnh cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần (đến 16/2), riêng Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh và Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Về vấn đề học sinh nghỉ học, trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết; “Chúng tôi khuyến cáo học sinh không phải nghỉ học vì đã có ca bệnh lây lan ra học sinh đâu. Hiện nay, các tỉnh, các trường cần phải khuyến cáo học sinh, giáo viên thực hiện các biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang, khử khuẩn trường lớp.
Đồng thời khi phát hiện có cháu nào ho, sốt và đặc biệt đã tiếp xúc với các ca bệnh thì phải đưa đi khám và thông báo lên cấp trên. Nếu có ca bệnh chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GDĐT để có cách xử lý phù hợp, kịp thời, nếu cần cho học sinh 1 lớp hay cả trường nghỉ thì sẽ có bàn bạc, cân nhắc”.
Tính đến ngày 9/2, Việt Nam có 14 ca mắc nCoV, tuy nhiên các ca bệnh này chỉ "khu trú" ở một số nơi và 1 số ca bệnh lây nCoV sau khi tiếp xúc gần với người bệnh từ Vũ Hán trở về.
Cụ thể như Vĩnh Phúc có 9 người (5 công nhân học tập từ Vũ Hán trở về, lây sang 4 người nhà và hàng xóm); Thanh Hóa 1 ca (công nhân từ Vũ Hán trở về); TP.Hồ Chí Minh 3 ca (1 người Trung Quốc từ Vũ Hán sang và lây bệnh cho cha đang ở Việt Nam, 1 Việt Kiều đã lưu trú tại sân bay Vũ Hán 2 tiếng rồi đến Việt Nam); Khánh Hòa 1 ca (lễ tân khách sạn lây từ người Trung Quốc từ Vũ Hán sang nói trên).
6 người Việt Nam lây nhiễm từ người từ Vũ Hán trở về đều đã được cách ly, theo dõi sức khỏe từ trước khi phát bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.