Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: "Áp lực không phải ở số môn thi"

Tào Nga Thứ ba, ngày 15/10/2024 06:39 AM (GMT+7)
Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 đang là đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều người ủng hộ việc thi 3 môn cố định để giảm áp lực nhưng cũng có ý kiến cho rằng áp lực không phải ở số môn thi.
Bình luận 0

Bộ GDĐT đang lấy ý kiến các nhà trường, Sở GDĐT về phương án tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018. Theo phương án Bộ GDĐT đưa ra là sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 do Sở GDĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại của chương trình THCS. Môn thi thứ 3 phải được Sở GDĐT công bố vào cuối tháng 3 hằng năm.

Thông tin này đã nhận được quan tâm từ dư luận và đã có nhiều quan điểm đưa ra. Bên cạnh ý kiến thi 3 môn cố định Toán, Văn, Tiếng Anh thì lại có những ý kiến khác. 

Ủng hộ bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 để đảm bảo chất lượng giáo dục

Không ít giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho biết ủng hộ phương án thi Toán, Ngữ văn cố định, môn thi thứ 3 sẽ bốc thăm để đảm bảo chất lượng giáo dục. Bởi ở thời điểm này, học sinh vẫn có tâm lý, không thi không học.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học ở Hà Nội: "Sẽ tạo ra một thế hệ mù khoa học vì các em bỏ học các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội ngay từ lớp 6 để tập trung học Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh".

Thầy Ngọc cho hay, áp lực không nằm ở việc có bao nhiêu môn thi mà đến từ bản chất cạnh tranh của kỳ thi và sự kỳ vọng của bố mẹ vượt quá năng lực của con. Về mặt khoa học giáo dục, việc có thêm môn thi sẽ là một sự giải tỏa, giúp học sinh bớt nhàm chán trong quá trình ôn thi và bớt áp lực khi phải dồn sức, đặt cược vào số ít môn thi.

Muốn giảm áp lực thì cần phải "quản trị kỳ vọng", đánh giá đúng mức năng lực của con, có những chuẩn bị, dự phòng phù hợp nhất với năng lực đó của con và điều kiện của gia đình.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: "Áp lực không phải ở số môn thi"- Ảnh 1.

Học sinh một trường THCS ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Đề xuất học sinh được chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội đề xuất phương án lý tưởng là học sinh được chọn môn thi thứ 3 để dự thi. Theo thầy Trần Mạnh Tùng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT hằng năm nhận được sự quan tâm lớn của học sinh, phụ huynh và xã hội đồng thời nêu 10 lý do không nên bốc thăm môn thi thứ ba đối với kỳ thi này.

Thứ nhất, việc bốc thăm sẽ tạo áp lực, gây căng thẳng không cần thiết. Kỳ thi vào 10 vốn đã căng thẳng do chọn trường trước rồi thi sau, do tỉ lệ chọi, do thí sinh đăng ký theo khu vực… Nhiều người cho rằng, kỳ thi này còn căng thẳng hơn kỳ thi vào các trường đại học.

Việc bốc thăm môn thi có yếu tố may rủi, áp đặt thụ động và tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh. Thực tế cho thấy, những năm áp dụng cách này, sang học kì 2 bắt đầu có những dự đoán, có tâm lý chờ đợi công bố môn thi… gây phân tâm, khó khăn cho việc dạy và học của cả thầy và trò.

Thứ 2, tổ chức bốc thăm môn thi có thể bị lệch các môn Khoa học tự nhiên và các môn khoa học xã hội. Không phù hợp với việc học sinh lựa chọn môn thi lớp 10 ở chỗ học sinh thi vào 10 môn Địa lý nhưng khi lên lớp 10 lại không học môn Địa lý.

Thứ 3, việc bốc thăm do các Sở GDĐT tổ chức tại địa phương, không tổ chức công khai như "bốc thăm bảng đấu bóng đá" do đó không có căn cứ nào có thể đảm bảo tin cậy.

Thứ 4: Phương án thi tuyển lớp 10 với 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được nhiều địa phương áp dụng các năm qua cho thấy, thực tế chứng minh phù hợp. Phương án đó cũng nhận được sự ủng hộ của đa số học sinh, phụ huynh và kết quả thi tốt nghiệp của các địa phương này vẫn ở top đầu.

Thứ 5, không có cơ sở để lo ngại không thi thì không học bởi vì Chương trình GDPT mới đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ.

Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ… việc này tác động ngược lại việc dạy và học. Các nhà trường, các nhà quản lý có các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chương trình ngay trong năm học chứ không cần phải chờ đến lúc công bố môn thi.

Thứ 6, ngành giáo dục phải dùng thi để bắt học thì học sẽ trở thành đối phó. Khi đó, có thể xảy ra trường hợp, nhiều nơi sẽ học cầm chừng chờ ngày công bố môn thi. Khi công bố rồi thì việc học cũng chỉ để thi. Cách học như thế không đáp ứng các yêu cầu của Chương trình GDPT mới đó là tập trung đánh giá năng lực học sinh. Chương trình mới không có chuyện không thi thì không học. Việc công bố môn thi muộn để tránh học lệch chứng tỏ công tác quản lí còn yếu kém.

Thứ 7, nếu bốc thăm số môn thi thực tế có thể nhiều hơn gây áp lực cho học sinh. Ví dụ, nếu bốc thăm trúng môn Lịch sử và Địa lý thì số môn thi thực ra là 4 môn. Nếu bốc thăm trúng môn Khoa học tự nhiên thì số môn thi thực ra là 5 môn.

Thứ 8 không bốc thăm thứ 3 để thi tuyển lớp 10 đó là cần phân biệt thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh. Thi tốt nghiệp thì không cần phải loại nhau. Còn thi tuyển sinh thì cần lấy từ cao xuống thấp, trong khi không phải học sinh nào cũng học tốt tất cả các môn.

Thứ 9, kiến nghị nên thi bắt buộc 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngành cần coi 3 môn học này là 3 môn "xương sống", cần cho tất cả học sinh, ngay cả lên THPT. Ngoài ra, thi bắt buộc môn Tiếng Anh nhằm thúc đẩy việc học môn này cũng là từng bước chuẩn bị cho việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Thứ 10, phương án lý tưởng cho kỳ thi tuyển sinh THPT là học sinh được chọn môn thi vào lớp 10. Khi đó, ngoài Toán, Ngữ văn, học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3 phù hợp với năng lực để thi tuyển vào lớp 10 là phù hợp nhất. Bởi vì khi lên THPT, học sinh được chọn tổ hợp môn để học theo năng lực. Tuy nhiên với phương án này, công tác tổ chức thi, xây dựng đề thi sẽ khó khăn, phức tạp trong khi việc xây dựng ngân hàng đề hiện chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khả thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem