'Bóc trần' Lưu Bị trong lịch sử, hậu thế ngỡ ngàng khác xa Tam quốc diễn nghĩa

Minh Nhật (theo Sohu) Thứ bảy, ngày 14/08/2021 20:30 PM (GMT+7)
Lưu Bị "người thật việc thật" trong lịch sử khác xa Lưu Bị trong tiểu thuyết kinh điển "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung hoặc bộ phim cùng tên trên truyền hình.
Bình luận 0
'Bóc trần' Lưu Bị trong lịch sử, hậu thế ngỡ ngàng khác xa Tam quốc diễn nghĩa - Ảnh 1.

Hình ảnh Lưu Bị trên truyền hình. Ảnh Sohu.

Tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung - một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc được xây dựng dựa trên các sự kiện và nhân vật có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, cũng có nhiều chi tiết trong tiểu thuyết này đã được tác giả hư cấu, phóng đại hoặc thêm thắt vào để tác phẩm hấp dẫn hơn.

Tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa" sau đó đã trở nên nổi tiếng, được truyền bá rộng rãi và có sức ảnh hưởng to lớn đến nhận thức của độc giả về lịch sử. Điều này khiến ấn tượng của đại chúng về một số nhân vật lịch sử có phần... khác với lịch sử, do chịu ảnh hưởng từ hình ảnh nhân vật được xây dựng trong tiểu thuyết hoặc phim ảnh mà Lưu Bị là một điển hình.

Cụ thể, theo KK News, trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, tác giả hư cấu khá nhiều tình tiết về Lưu Bị so với ngoài đời thật, với dụng ý xây dựng hình tượng Lưu Bị là một người nhân từ, hiền đức, thường dùng tình cảm để thu phục nhân tâm mà bỏ qua những sự kiện có thật trong lịch sử thể hiện tính quyết đoán và tài năng quân sự của ông.

Do ảnh hưởng quá lớn từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhiều người thường lầm tưởng rằng Lưu Bị là người khá nhu nhược, không có tài năng quân sự, chỉ giỏi dùng tình cảm để đổi lấy lòng trung thành và sự tận tụy của các cận thần như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Gia Cát Lượng... mới làm nên cơ nghiệp.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, Lưu Bị người thật việc thật trong lịch sử là một anh hùng có tính cách trượng nghĩa, quyết đoán, mưu lược, giỏi điều binh khiển tướng, biết ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, sức hút nhân tài, khiến họ trung thành, tận tụy với mình. Ngay cả Tào Tháo và nhiều quân sư đương thời cũng đánh giá rất cao tài năng của Lưu Bị.

Sức hút của Lưu Bị

Do nhà nghèo và mồ côi cha sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống nhưng nhờ danh nghĩa là con cháu hoàng tộc, Lưu Bị vẫn được đi học. Thầy của ông là Lư Thực - một người tài năng văn võ song toàn. Vì thế, Lưu Bị đã học hỏi được rất nhiều điều.

Nhờ tính cách hào sảng, trượng nghĩa, dễ gần, ngay từ khi còn trẻ, Lưu Bị đã kết thân được nhiều hào kiệt, có sức hút đặc biệt khiến nhiều người trẻ có chí lớn vây quanh ông, đặc biệt là Trương Phi và Quan Vũ.

'Bóc trần' Lưu Bị trong lịch sử, hậu thế ngỡ ngàng khác xa Tam quốc diễn nghĩa - Ảnh 2.

Ba huynh đệ Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ. Ảnh Sohu.

Tương truyền, trong vùng có viên hào phú địa phương là Lưu Bình không ưa Lưu Bị, bèn sai thích khách đến sát hại ông. Nhưng thích khách đến nơi, thấy Lưu Bị đón tiếp long trọng, kính cẩn, rất cảm phục Lưu Bị, không ra tay giết ông, lại cùng ông trò chuyện rồi nói rõ cho ông biết âm mưu của Lưu Bình rồi ra đi.

Lưu Bị cũng nổi tiếng là người hiền đức, thương dân như con nên rất được lòng dân. Vào cuối thời Đông Hán, chiến tranh và nạn cướp bóc khiến người dân điêu đứng, khốn đốn. Sau khi Lưu Bị lên nắm quyền, một mặt, ông tích cực huấn luyện quân đội để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, kẻ thù nước ngoài không dám xâm phạm, mặt khác ông giảm sưu thuế, để nhân dân sống một cuộc sống yên bình hiếm có.

Tính cách quyết đoán, nhìn xa trông rộng

Lưu Bị khi thất thế từng nương nhờ Viên Thiệu. Tuy nhiên sau đó ông nhận ra rằng Viên Thiệu có binh lực mạnh mẽ nhưng thiếu quả quyết, đoán biết Viên Thiệu không thể làm nên việc lớn, ông quyết định tìm cách thoát đi để tự xây dựng lực lượng.

Quả nhiên sau này, Viên Thiệu bị Tào Tháo tiêu diệt. Lưu Bị cũng từng nương nhờ Tào Tháo, tuy nhiên, bất bình trước việc Tào Tháo thao túng triều đình nên cũng nhanh chóng thoát ly Tào Tháo.

Tài năng quân sự

Ngay từ còn trẻ, Lưu Bị đã dùng bản lĩnh của chính mình dẹp được khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác cầm đầu nổi dậy chống triều đình.

Năm 193, khi Tào Tháo mang quân đánh đánh Từ Châu để báo thù cho cha là Tào Tung vì cho rằng Châu mục Từ châu là Đào Khiêm chủ mưu giết Tào Tung. Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân chỉ có vài nghìn quân đã đến giúp tướng trấn giữ Từ Châu chống lại quân Tào Tháo.

Dưới sự chỉ huy của Lưu Bị, quân Từ châu giữ vừng thành, quân Tào tấn công nhiều trận nhưng không thể hạ được. Ngoài ra, Lưu Bị cũng từng đánh bại 2 tướng dưới trướng của Tào Tháo là Vương Trung và Lưu Đại, điều này cho thấy võ nghệ của ông rất đáng gờm.

Tài mưu lược của Lưu Bị được thể hiện ở trận Bác Vong, trước khi ông được Gia Cát Lượng phò tá. Khi đó, Lưu Bị bị đại tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn mang quân truy kích. Ông không những không bị động và còn chủ động đặt phục binh ở gò Bác Vọng, lừa Hạ Hầu Đôn đưa quân vào đánh bại ông ta, bắt sống viên tướng của Hạ Hầu Đôn là Hạ Hầu Lan. Cuối cùng, Hạ Hầu Đôn phải lui binh.

Nhìn chung, sự hiểu lầm lớn nhất về Lưu Bị là khả năng chỉ huy quân sự của ông. Sự hiểu lầm này xuất phát từ tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” khi La Quán Trung mô tả, sau khi Gia Cát Lượng xuất núi, Lưu Bị như cá gặp nước, mọi việc từ điều binh khiển tướng, bày binh bố trận nhất nhất đều nghe theo lời quân sư Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Lưu Bị là thủ lĩnh thực thụ. Dù xét về chiến lược, chiến thuật quân sự, Lưu Bị không bằng Tào Tháo, nhưng cũng không phải là kẻ "núp bóng" sau "Ngũ hổ tướng" hay Gia Cát Lượng. Lưu Bị "người thật việc thật" trong lịch sử luôn luôn chịu trách nhiệm chỉ huy các trận chiến, trực tiếp điều binh khiển tướng trên chiến trường, còn Gia Cát Lượng chủ yếu chịu trách nhiệm chính trong việc vạch kế sách chung, hậu cần, ngoại giao... Mãi đến khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng mới trở thành người cầm quân chính của Thục Hán.

Các trận đánh quan trọng thời kỳ đó như trận Xích Bích; hạ Lạc Thành, chiếm Thành Đô; chiến dịch Hán Trung đều có Lưu Bị là chỉ huy cao nhất trên chiến trường. Nhờ tài chỉ huy quân sự, điều binh khiển tướng, Lưu Bị cuối cùng đã xây dựng được cơ nghiệp, lập nên Thục Hán cùng Đông Ngô, Tào Ngụy tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem