Để đánh giá tác động của phân bón NPK Lâm Thao đối với lúa trên vùng sinh thái khác nhau tại Thái Bình, đồng thời chủ động nguồn phân bón có chất lượng cung ứng cho nông dân trong tỉnh, trong 2 năm 2013- 2014, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiến hành xây dựng mô hình trình diễn phân bón chuyên dụng nhằm đánh giá hiệu quả của việc áp dụng phân bón NPK-S*M1 5:10:3-8 bón lót và NPK-S*M1 12:5:10-14 cho bón thúc lúa tại 12 điểm thuộc 4 huyện, gồm các xã Đông Cường, Đông Động, Đông Phong, Đông Lĩnh (huyện Đông Hưng); Vũ Hòa, Bình Minh, Nam Cao, Quang Hưng (Kiến Xương); Đông Hoàng, Đông Trung (Tiền Hải); Song An, Nguyên Xá (huyện Vũ Thư).
Mô hình trình diễn tại xã Đông Phong, huyện Đông Hưng, Thái Bình. T.L
Công thức bón như sau:
Bón lót: Phân chuồng: 200-300 kg/sào; NPK-S*M1 5:10:3-8: 20kg/sào. Bón đẻ nhánh: NPK-S*M1 12:5:10-14: 9kg/sào. Bón đón đòng: NPK-S*M1 12:5:10-14: 8 kg/sào. Bón đối chứng theo tập quán bón thông thường của địa phương.
Qua thực hiện các mô hình trình diễn đã đạt được kết quả cao:
- Ở giai đoạn mạ: Các giống trong mô hình và ngoài mô hình đều giống nhau, mạ khỏe, sức sinh trưởng tốt.
- Giai đoạn lúa cấy: Các giống lúa ở mô hình đẻ nhánh sớm, tập trung, lá xanh đẹp, lúa trỗ nhanh, gọn; các giống đối chứng đẻ nhánh không tập trung, lá xanh đậm hơn, thời gian lúa trỗ dài hơn, nhiều bông hơn nhưng tỷ lệ bông có số hạt dưới 100 hạt nhiều hơn, tỷ lệ lép cao hơn, số hạt chắc ít hơn.
- Sâu bệnh: Tại các mô hình, mức độ sâu bệnh đều nhiễm nhẹ hơn so với đối chứng, đặc biệt là rầy nâu.
- Về năng suất: Mô hình sử dụng phân bón NPK-S chuyên dụng Lâm Thao đều có các chỉ tiêu yếu tố cấu thành năng suất và năng suất tăng so với các ruộng sử dụng phân đơn. Mức năng suất thực thu cuối cùng của các mô hình bón phân NPK-S chuyên dụng so với phân đơn là 20-25kg thóc.
- Về chi phí: Chi phí cho sản xuất của ruộng mô hình đều thấp hơn so với ruộng đối chứng, giá trị thu được tăng hơn trên 1ha. Giảm công lao động (2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật).
Theo dõi trên giống lúa tại 12 xã điểm thuộc 4 huyện cho thấy trên nền phân bón NPK chuyên dụng của Lâm Thao, cây lúa phát triển cân đối, cứng, bộ lá khỏe, lúa đẻ tập trung hơn và tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao hơn so với ruộng đối chứng. Số dảnh đẻ tối đa đếm được số bình quân tương đương ở cả nền dùng phân chuyên dụng và đối chứng, nhưng tỷ lệ hữu hiệu ở nền phân chuyên dùng NPK-S Lâm Thao cao hơn so với đối chứng.
Trên nền phân bón NPK-S Lâm Thao cây lúa có sức chống chịu sâu bệnh hại ngoài đồng ruộng khá hơn, đặc biệt là bệnh đạo ôn và rầy.
Kết quả cho thấy: Mô hình sử dụng phân bón NPK-S chuyên dụng Lâm Thao đều có các chỉ tiêu yếu tố cấu thành năng suất và năng suất tăng so với các ruộng sử dụng phân đơn. Mức tăng năng suất thực thu cuối cùng của mô hình bón phân NPK chuyên dụng so với phân đơn là 20-25kg thóc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.