Độc đáo trong nét văn hóa dân gian miền Tây chính là những chiếc xuồng bán hàng bông bồng bềnh trên sóng nước. Đâu đó, như vẳng lên câu ca tự thuở người tha phương mới đến đây dựng làng lập xóm:
"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê".
Khắp làng trên xóm dưới, quanh năm người lao động chỉ biết ruộng đồng, vườn tược. Xa lắm, những chỗ có bốn, năm dòng sông tụ hội người ta gọi là Ngã Tư, Ngã Năm, … mới có chợ họp.
Xuồng hàng bông vừa mua xong hàng. (ảnh tác giả)
Chợ nổi trên sông, nhiều ghe lớn đủ chở đồ ăn, đồ xài ở xứ khác đến đây bán. Nhưng ở quê, không phải ai ngày nào cũng chèo ra chợ. Phần đường xa, phần công việc, … Để phục vụ cho bà con lối xóm, những chiếc xuồng bán hàng bông xuất hiện.
Xuồng cỡ vừa, chồng chèo hai mái chèo, vợ ngồi trước mũi tiếp sức bơi. Cũng có khi, xuồng chỉ do một người phụ nữ ngược xuôi chèo chống. Gà gáy canh ba, họ đã bôn ba ra chợ để mua hàng về bán. Cặp lại những chiếc ghe lớn, đếm dừa tươi, mua bầu, bí, rau cải, hành hẹ, con ba khía muối, mắm ruốc, trầu, cau, vài cây mía, ít yến (đơn vị cân của người miền Tây Nam bộ tương đương 6kg) khoai, trăm trái bắp, chục lọn bông súng, lọn rau cần, … Mùa nào thức ấy. Mua xong lúc trời rạng đông, họ quay xuồng trở về và bắt đầu rao bán hàng.
Xuồng mua gì thì rao bán nấy: "
Trầu, cau, vôi, thuốc, mắm ruốc, khoai lang, mía tây, dừa tươi,… hôn"! Câu rao cũng có vần, có điệu cất lên với làn hơi dài mượt.
Và trên đường chèo xuồng đi bán (ảnh tác giả)
Nhà xa chợ, cần gì thì kêu xuồng hàng lại mua thứ nấy. Cân đo, đong đếm cũng thường mang tính ước chừng. Rau bán mớ, trầu bán ốp (xấp), cau, khóm, xoài, cam, bưởi, bắp,… bán bằng chục (mỗi chục có khi là 20 trái gọi là chục đôi, khi thì 14 trái, khi lại 12 và cũng có khi chỉ đúng … 10 trái!), ba khia bán bằng con, …
Bán xong, nhiều khi chủ xuồng hàng khát nước thì xin nước mưa của chủ nhà một tô uống đã khát lại tiếp tục len lỏi khắp các con rạch, đường kênh, … Đến khi mặt trời đứng bóng, có đói thì cặp xuồng lại ăn vội tô bún của các ghe bán bún cũng nổi trôi đâu đó trên sông, rồi nhanh tay chèo trở về nhà, nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Đồ đạc bán ế không hết đem lên nấu, xào cho mấy đứa nhỏ ở nhà ăn luôn một thể.
Ngày nay, khi đường liên thôn, liên huyện đã được xây dựng. Phương tiện xe máy, xe đạp đã thay cho xuồng ghe, việc đi chợ không còn quá vất vả, nên hình bóng những chiếc xuồng bán hàng bông cũng đã dần lùi vào dĩ vãng. Có điều, nét đẹp văn hóa của thời kinh tế tự túc tự cấp vẫn như còn in đậm đâu đó trong kí ức người bình dân quê mùa!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.