Bồng bềnh dưới đáy chai...

Thứ ba, ngày 19/02/2013 21:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mùng 1 Tết Quý Tỵ, nhà thơ Trần Đăng Khoa có cuộc “hội thoại” chúc tết nhà thơ Bình Định Nguyễn Thanh Mừng. Như mọi năm, họ hay nhắn tin với những lời trân trọng về tình cảm dành cho nhau giữa mùa cỏ hoa đâm chồi nảy lộc.
Bình luận 0

Năm nay, “điện đàm” đột nhiên khởi sắc thêm bởi bài thơ “Gái Sơn La mời rượu trai Bình Định” đăng trên tờ Văn nghệ Xuân Quý Tỵ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề tặng Nguyễn Thanh Mừng:

Biển và trời Bình Định

Sóng sánh màu Sơn La

Ngổn ngang bao ngọn núi

Ngả nghiêng trong… góc nhà

Ánh trăng vàng Ghềnh Ráng

Tan trên đỉnh Cốc Pài

Chỉ còn Thần với Thánh

Bồng bềnh dưới đáy chai

Thoắt rồi bao đau khổ

Chẳng còn là khổ đau

Kìa, biển trời chếnh choáng

Ngắm chúng mình… uống nhau”…

img
Hai nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thanh Mừng (ngồi giữa) cùng khách mộ điệu.

Cơ duyên bài thơ này từ một… hội nghị. Đó là vừa rồi, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói VN đã cùng lãnh đạo và phóng viên các đơn vị trực thuộc, 9 đài PTTH về dự Hội nghị cộng tác viên Khu vực duyên hải miền Trung năm 2012 tại Quy Nhơn. Trong các buổi chiêu đãi, tất nhiên bàn có lãnh đạo đài và lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn có 2 nhà thơ, và các em gái trẻ đẹp xinh tươi của núi rừng Tây Bắc đều “ưu tiên” tập trung mời rượu.

Nghe nói, trước tiên, người Bình Định mời quan khách mấy vòng rượu Bàu Đá. Đột nhiên, các em gái từ Sơn La lôi từ trong túi thổ cẩm ra rượu ngô Tây Bắc... Không biết những cô gái Tây Bắc mời mọc “đoàn kết thắm thiết” như thế nào mà Trần Đăng Khoa hứng khởi ứng tác ngay một bài thơ. Và chả hiểu vì sao cả Trần Đăng Khoa lẫn Nguyễn Thanh Mừng sau mấy tiếng đồng hồ “tửu sắc” vẫn còn... tỉnh để 7 giờ tối ra hội trường Quang Trung ngồi lên hàng đại biểu danh dự trong Chương trình Liên hoan tiếng hát sinh viên Quy Nhơn năm 2012 do cơ quan thường trú khu vực miền Trung của Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Bài thơ ban đầu chỉ có hai khổ đầu và cuối. Đêm hôm sau, trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trần Đăng Khoa mượn lại bài thơ trong túi Nguyễn Thanh Mừng - làm trong cơn say hôm qua, để trong cơn say hôm nay tiếp tục sửa chữa chút câu từ cho hoàn chỉnh. Và lại một đêm rượu - thơ “hoành tráng” nơi phố biển Quy Nhơn, có ánh trăng vàng Ghềnh Ráng bên mộ Hàn Mặc Tử, những cô phóng viên trẻ từ Sơn La tiếp tục mời rượu những “hảo hớn miền đất võ”! Ai biết trong chén rượu tình nghĩa kia có đủ tố chất của văn nghiệp lẫn võ công để nhà thơ Trần Đăng Khoa “đủ đô” tức cảnh sinh tình mà cất bút!

Giáp tết, bài thơ xuất hiện trang trọng trên Tuần báo Văn Nghệ và “chạy sô” một vài tờ báo nữa, trong đó có tờ VOV, như một kỷ niệm đẹp đẽ và trân trọng giữa Bình Định - Sơn La, giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thanh Mừng.

Thực ra, tình cảm giữa hai nhà thơ đã bền bỉ mấy chục năm nay. Khi Thanh Mừng còn ngồi trên ghế nhà trường đã ngưỡng mộ tài danh của nhà thơ “Góc sân và khoảng trời”, và sau này càng ngưỡng mộ hơn những cuốn sách “Đảo chìm”, “Chân dung và đối thoại” hay những bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”, “Thơ tình của người lính biển”... Trần Đăng Khoa nhỉnh hơn Nguyễn Thanh Mừng một tuổi, mùa xuân này họ đã vào lứa… non nhiệm kỳ nữa sẽ cầm sổ hưu, vuốt râu chống gậy!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem