Luôn sẵn nhu cầu… tẩu tán tiền mặt
Lương trung bình ở Hạng nhất từ 10 - 15 triệu. Ai giỏi, đá chính thức còn nhiều hơn thế. Ở Hạng nhất, tiền thưởng cho một chiến thắng vào khoảng 200 - 300 triệu. Thêm những khoản phụ khác như tiền ghi bàn, tiền kiến thiết, tiền giữ trắng lưới… trung bình một cầu thủ thuộc diện loại 1 ở Hạng nhất kiếm sơ sơ 20 - 30 triệu mỗi tháng.
|
Năm 2008, cầu thủ Hồng Việt của SLNA bị Công an TP. Vinh bắt khi đang tàng trữ một tép heroin trong người |
Đấy là hạng nhất, còn tại V-League mức thu nhập khủng hơn nhiều. 20 triệu đồng chỉ là mức của cầu thủ loại xoàng. Những ngôi sao đội 1, đặc biệt từng có “mác” đội tuyển quốc gia thì lương cứng phải gấp 2-3 thậm chí 4-5 lần. Khó có thể tin Công Vinh với 15 tỷ tiền lót tay mà nhận lương dưới 80 triệu đồng. Đấy chỉ là khoản cứng.
Nhẩm tính, với 1 tỷ đồng mỗi trận thắng mỗi cầu thủ đá chính của Ninh Bình bỏ túi xêm xêm 50 triệu đồng rồi. Ở V-League, mức thưởng của Ninh Bình không hiếm. Navibank Sài Gòn, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Bình Dương… đều thưởng từ 1 tỷ trở lên. Lấy mức thường là 2 thắng, 1 hòa, 1 thua cho một tháng thi đấu, những cầu thủ của các đội này bỏ túi hơn trăm triệu đồng ngon ơ!
Vì sao bây giờ có không ít mầm non trẻ của làng giải trí, đặc biệt người mẫu mới vào nghề thích quen cầu thủ? Ngoài danh tiếng, đơn giản vì thay cho các đại gia giàu nhưng già, bụng bự, cầu thủ có lợi thế trẻ, khỏe và rất chịu chơi. Cặp với một ngôi sao đồng nghĩa các cô bé này sẽ được chiều hết cỡ, sắm đồ hiệu, đi shopping... Cuối tuần sau mỗi trận, chuyện bar là “muỗi”, kỳ nghỉ đi nước ngoài là bình thường.
Chúng ta chỉ vừa nói đến lương. Ở thời cực thịnh của thị trường chuyển nhượng một cầu thủ loại thường ở V-League kiếm tiền tỷ dễ như nhai kẹo. Tài khoản toàn tiền tỷ, mỗi tháng kiếm cả trăm triệu quả thật người ta nói sướng như cầu thủ cũng không quá. Tiền nhiều, lại sẵn và kiếm dễ nên xài sao cho đúng “đẳng” cũng là vấn đề. Lành lành thì lai rai rượu bia, đi bar xả stress. Còn số má, sẽ là những môn kín hơn như nhai kẹo, hít ke và sau là đập đá.
Từ bao cả quán bar hay bay cả tuần trong khách sạn...
Có nhiều lý do quanh việc cầu thủ mê chơi. Dễ thấy nhất là cá tính, môi trường sống và cả việc họ không được trang bị nền tảng văn hóa để điều chỉnh bản thân trước những cám dỗ luôn có sẵn. Có câu nói: Cầu thủ có máu đỏ đen chẳng thua gì nhậu nhẹt. Điều này rất đúng.
|
Cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Tuấn từ lò SLNA bị phát hiện chơi "trắng" cách đây hơn 10 năm |
Hãy xem thử một ngày cuối tuần điển hình của một cầu thủ có “chất chơi”. Chiều tối sau trận đấu, họ sẽ tắm rửa và hẹn với vài chiến hữu ở một quán ốc nào đấy (giới cầu thủ đặc biệt mê hải sản), làm vài chai bia cho hồi lại nước (một trận đấu một cầu thủ có thể bị sụt 2-3kg do mất nước) và a lô hỏi han bạn bè khắp nước đá đấm thế nào.
Sau đấy tầm 10-11 giờ đêm sẽ là các quán bar để nghe nhạc. Tầm 2-3 giờ sáng khi nhạc xuống, họ sẽ rủ vài người bạn “cánh hẩu” kiếm chỗ để chơi tăng ba. Đấy có thể là nhà riêng hoặc khách sạn và cuộc chơi sẽ không ngưng trước khi trời sáng tỏ.
Ngày xưa, Văn Quyến từng gây xôn xao với lời đồn từng bao cả quán bar để mừng tiệc với chiến hữu. Nhưng với quan hệ và túi tiền của “thằng béo” lúc ấy, nó không quá ghê gớm. Thực tế giờ đây giới cầu thủ không còn muốn gây ồn ào ở các quán bar. Chất chơi sẽ thể hiện ở chỗ khác, với một vòng tròn nhỏ các đối tượng góp mặt trong những khách sạn đặc biệt hoặc nhà riêng. Một hai ngày hoặc cả tuần bay ở đấy là bình thường.
Người viết từng chứng kiến một cầu thủ trẻ của một đội bóng miền cao từng trốn đội vào Sài Gòn để ăn nằm và bay cùng bạn gái cả tuần. Người bạn gái này lớn tuổi hơn và sẵn tiền nên rất thích thú khi lo cho bạn trai như thế. Tất nhiên, “30 như hổ, 40 như sói”, cầu thủ này cũng sẽ có những chiều chuộng ngược lại nhất là khi ma túy và sex luôn là người bạn đồng hành.
|
Cựu thủ quân tuyển quốc gia Huy Hoàng được cho là phê thuốc lắc khi gây tai nạn giao thông ở TP. Thanh Hóa ngày 7.9 |
Đến lên Côn Lôn…đập đá
Cầu thủ miền Nam giờ nghe hỏi P.H. đều lắc đầu “không biết”. P.H. là cầu thủ đẹp trai, có duyên nói chuyện và sống rất tình nghĩa, rất được anh em quý mến. Tạo lập danh tiếng từ đội bóng quê nhà, có vợ đẹp con xinh, anh em chiến hữu rất mừng khi hay tin P.H. ký được một hợp đồng khủng đầu quân cho một đại gia làng bóng Việt Nam. Nhưng rồi, những mâu thuẫn gia đình xuất hiện đã khiến P.H. chán nản, không còn trách nhiệm nghề để rồi trôi dần theo những cuộc chơi đêm, đặc biệt là chơi đá.
Không ít bạn bè của P.H. đã bật ngửa khi hay rằng không chỉ mình là đối tượng được P.H. chạy đến vay nóng tiền giải quyết chuyện nhà, và cùng thở dài. Không còn đá bóng nổi do chơi quá, P.H. mất suất ở đội bóng cũ và phải dạt tứ xứ tìm cơ hội. Cơ hội ở đây, tiếc thay không phải để làm lại từ đầu mà để có chút vốn trả nợ và… chơi tiếp. Giờ này, P.H. xem như biến mất hẳn khỏi đời sống bóng đá. Bạn bè được hỏi đều lắc đầu không rõ anh trôi dạt về đâu. Chỉ có phỏng đoán “chắc nó chưa bỏ được”.
Ai cũng giật mình và rồi rùng mình trước hình ảnh “xấu xí” của cựu trung vệ đội trưởng đội tuyển quốc gia Huy Hoàng phát tán trên internet. Nhưng có một thực tế, Hoàng chẳng phải là cá biệt. Chuyện cầu thủ đập đá đến sát giờ ra sân không hiếm, vẫn được nghe kể trong giới cầu thủ. Chuyện biến mất 2-3 ngày, có mặt để tập nhẹ trước trận đấu không chỉ là đặc quyền của các anh Tây vốn có tiếng càng sao càng hư.
Các cụ vẫn bảo cái gì dễ kiếm thường không được quý trọng. Ở chuyện tiền bạc và giữ mình của một bộ phận không nhỏ giới quần đùi áo số là thế. Tiền kiếm quá dễ, quá nhiều trong khi không được trang bị ý thức lo lắng và trách nhiệm với chính bản thân đã dẫn không ít tên tuổi vào con đường lầm lạc.
Từ chỗ nhà đẹp, xe sang và vợ con đề huề, rất nhiều tên tuổi đã phải lâm vào cảnh bán tháo nhà, xe để trả nợ. Những cuộc chuyển nhượng chóng vánh chỉ sau 1 mùa bóng cũng có liên đới đến tình trạng bị chủ nợ "dí". Đánh cá độ càng là nhân tố đẩy nhanh sự xuống dốc này. Thử tưởng tượng, tầm 2-3 giờ sáng đang “phê lòi” còn mở laptop ra đánh (cả những giải bên tận Ả Rập) thì kết quả sẽ thế nào?!
Cái gì cũng có nguồn cơn của nó, ở đây là việc giáo dục bị bỏ lơ là từ những lớp trẻ. Các HLV chỉ chịu xuống làm trẻ do kém tài hoặc tư cách (thường nói là tầm) không đủ. Kinh phí trẻ eo hẹp khiến công tác văn hóa được nhiều CLB xem là gánh nặng để rồi sau đấy quay mắng ngược lại cầu thủ “mất dạy”. Cái vòng luẩn quẩn này, biết sẽ kéo dài đến bao giờ đây?
Cấm cho cóĐội bóng nào cũng có giờ giới nghiêm, đưa vào nội quy hẳn hoi. Nhưng đề ra là một chuyện còn thực thi thế nào lại là chuyện khác. Việc cầu thủ leo tường vào sau mỗi chuyến chơi đêm đội nào cũng có, ngay cả khi HLV đã bắc ghế ngồi rình. Càng là ngôi sao càng được du di. Vì áp lực thành tích, có mấy ông thầy dám “trảm” ngôi sao của mình để làm gương? Chắc gì mình làm được mấy mùa mà phải khắt khe thế…
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.