“Bóng ma” Yếng Sáng

Đào Tuấn Thứ năm, ngày 30/10/2014 07:15 AM (GMT+7)
Đinh Sâu Rum, Cao Nokia, Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì hay Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân. Đây là những cái tên người được một nữ đại biểu Quốc hội xướng lên trước nghị trường trong phiên Quốc hội thảo luận về Luật Hộ tịch.
Bình luận 0

Và theo bà, đó là những cái tên xấu, những cái tên dài, những cái tên gây khó khăn khi làm thủ tục, gây khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương. Và, kỳ lạ hơn cả những cái tên xấu, đây lại là lý do dẫn tới đề xuất một quy định nguyên tắc đặt tên, thậm chí một luật- đặt- tên.

Nhưng tại sao những cái tên Đinh Sâu Rum hay Lê Văn Hận lại là xấu? Nhưng cái tên dài Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân thì ảnh hưởng gì đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội? Không ai có thể kiến giải một cách thỏa đáng được, trong khi việc chỉ vì những cái tên “xấu”, những cái tên dài mà lại phải đặt ra những quy định, thậm chí đặt ra một cái luật- đặt- tên thì rõ ràng đây lại là vấn đề.

Chuyện cũ là bi kịch trường thi của Đặng Huy Trứ, khi danh nhân nổi tiếng xứ Huế, tác giả của “Từ Thụ yếu quy” chỉ vì 4 chữ “gia miêu chi hại” trong văn quyển (tức là cỏ năn làm hại lúa tốt) đã bị phạt trăm trượng, mất cả tiến sĩ lẫn cử nhân khi giám khảo thời đó là Hà Huy Phiên cho rằng ông dùng chữ ngông cuồng, xúc phạm đến “gia miêu ngoại trang” (quê ngoại nhà vua) đã kỵ húy trước đó.

Chuyện thời sự là quy định mới toanh cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp. Và hôm kia, là một “hành lang” cho việc đặt tên con, giả dụ nếu Quốc hội có ý định làm một cái luật- đặt -tên thật.

Vậy thì có khác gì đâu nhỉ phép kỵ húy và ngớ ngẩn của nó, khiến chẳng hạn một tờ báo Ánh Sáng hồi thế kỷ thứ 19, 100 năm sau ngay Vua Nguyễn Ánh lên ngôi, vẫn phải kỵ húy mà đổi tên thành Yếng Sáng.

Đã đành là có những bậc cha mẹ đặt cho con cái mình những cái tên rất xấu, quá xấu, thậm chí ngồ ngộ kiểu “nửa Cơ Tu nửa Hàn Quốc” như Pơloong San Diu, con của Pơloong A Gương; Pơloong San Ốc 9 tuổi, chị của Pơloong San Ân và Pơloong San U; hay “nửa người nửa xe máy” Bho Nước Yamaha con của Bhờ Nước Uyn.

Nhưng việc đặt tên rõ ràng là việc của mỗi gia đình, rõ ràng là quyền của mỗi bậc cha mẹ, rõ ràng là từ những quy ước xã hội bât thành văn tự hình thành.

Thưa một vị đại biểu Quốc hội nào đó, làm luật, không có nghĩa là đặt ra những quy phạm cấm, điều chỉnh những việc mà thật ra không phải việc của nhà làm luật. Bởi rất khó trả lời vì sao người ta phải đổi từ Ánh sang Yếng, cũng như vì sao việc đặt tên cho con, cho doanh nghiệp của mình lại phải theo một nguyên tắc y như kỵ húy của ngày hôm qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem