Bớt tranh chấp, thêm nghĩa tình

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 26/12/2014 08:40 AM (GMT+7)
“Vai trò cán bộ Hội Nông dân (ND) các cấp tỉnh Long An đã từng bước được phát huy, góp phần giảm bớt tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài, đông người, vượt cấp; củng cố tình làng, nghĩa xóm, tình cảm thân tộc…”.  
Bình luận 0

Đánh giá này được nêu ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động của “Ban chỉ đạo 26” tỉnh Long An ngày 25.12 (thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội ND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND).

Giảm tranh chấp, khiếu kiện từ cấp xã

Theo ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội ND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo 26 tỉnh Long An, từ đầu năm 2014, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng mô hình ở 2 xã điểm: Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) và Thạnh Đức (huyện Bến Lức) - 2 xã thường xuyên xảy ra khiếu nại, tố cáo của ND.

img

Rất nhiều nông dân được Hội ND Long An tư vấn, trợ giúp pháp lý .


Xã Mỹ Thạnh Tây là 1 trong 5 xã biên giới của huyện Đức Huệ. Từ khi được chọn là xã điểm, Hội ND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ngành tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội ND xã đã thành lập 3 tổ hòa giải, tổ chức hòa giải mâu thuẫn tranh chấp trong ND, giữ được tình làng, nghĩa xóm và góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại của ND. “Từ khi thực hiện mô hình điểm đến nay, khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến ND, chính quyền và các ngành chức năng đều mời Hội ND xã bàn biện pháp giải quyết. Khi được mời tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, Hội ND xã đã nói lên chính kiến của mình để bảo vệ lợi ích chính đáng của ND” - ông Lê Thanh Vũ – Phó Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Thạnh Tây cho biết.

 

Cần cán bộ có tâm, có tầm, có kỹ năng

Quan điểm

Ông Trần Quốc Long • Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây
  Chúng tôi rất mừng với kết quả khích lệ của hòa giải ở cơ sở, vì qua đó áp lực từ những đơn thư khiếu nại, tố cáo lên chính quyền đã giảm nhiều, cũng như thông qua đó cho thấy tình làng, nghĩa xóm đang được Hội ND củng cố  
Mặc dù các cấp Hội ND tỉnh Long An tham gia thực hiện Chỉ thị 26 đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để củng cố hiệu quả của hoạt động này. Theo ông Phạm Minh Hùng, Ban chỉ đạo 26 ở một số nơi nắm tình hình nội bộ ND khá chậm, vai trò điều hành ở một số nơi chưa tốt, lúng túng trong tham mưu cho hoạt động của Ban chỉ đạo. Một số nơi chưa chủ động phối hợp với chính quyền và ngành chức năng để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND…

 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đào Văn Hùng - Chủ tịch Hội ND thị xã Kiến Tường cho biết, công tác hòa giải của cán bộ Hội ND tham gia Chỉ thị 26 còn gặp nhiều khó khăn, do trình độ kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên còn hạn chế. Còn ông Phan Hữu Hạnh – Chánh thanh tra tỉnh Long An nhấn mạnh, công tác hòa giải tại cơ sở rất quan trọng. Nếu cán bộ Hội ND tham gia Chỉ thị 26 có kiến thức pháp luật, nắm chắc nguyên nhân, thấu tình đạt lý… thì sẽ làm tốt công tác hòa giải ngay từ xóm làng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Làm – Ủy viên Thường vụ, Phó ban Chỉ đạo 26 Trung ương Hội NDVN lưu ý: Khi giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, cán bộ Hội ND phải có tâm, có tầm, có trình độ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật mới đáp ứng được nhiệm vụ và mang lại hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem