BTV Phương Thảo: "Tôi nghẹn ngào khi dẫn chương trình tại một trại giam"
BTV Phương Thảo: "Tôi nghẹn ngào khi dẫn chương trình tại một trại giam"
Khánh Yến
Thứ bảy, ngày 08/01/2022 16:40 PM (GMT+7)
"Cảm xúc dẫn trong trại giam, trước mặt là giám thị, cán bộ quản lý trại giam và hàng trăm phạm nhân thực sự rất khác biệt so với bất kỳ sân khấu nào" - BTV Phương Thảo chia sẻ với Dân Việt.
BTV Phương Thảo sinh năm 1987 tại Thái Nguyên. Hiện tại, chị đang là BTV phụ trách các bản tin Thời sự - Chính luận tại Truyền hình CAND – ANTV. Không chỉ có vẻ ngoài xinh đẹp, dịu dàng, Phương Thảo còn khiến khán giả yêu mến bởi giọng nói truyền cảm và cách dẫn dắt lôi cuốn, hấp dẫn.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với BTV Phương Thảo về niềm đam mê chị dành cho công việc của mình.
Cơ duyên nào đã khiến chị quyết định theo nghiệp truyền hình?
- Với tôi, có lẽ câu trả lời là "nghề chọn người". Trước khi học Đại học, gia đình luôn hướng tôi theo nghề du lịch, vì có người nhà làm trong lĩnh vực này, hy vọng sau này ra trường có thể xin được việc. Nhưng thực lòng tôi không quá hứng thú.
Năm đó, tôi làm 2 hồ sơ, một nguyện vọng thi khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; một nguyện vọng thi vào khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Giấy báo thi của trường Nhân văn gửi về lại nhầm tên tôi với bạn Thảo nào đó ở Ba Đình, Hà Nội. Tôi nói với mẹ: "Đây là "trời" bảo con thi trường báo rồi mẹ ạ". Năm đó, tôi chỉ đi thi trường báo và đỗ vào khoa Phát thành – Truyền hình thật.
Sau này, khi đang học năm thứ 3 tôi, may mắn được tuyển làm cộng tác viên cho chương trình "Ai là triệu phú" của VTV3. Rồi năm 2011, tình cờ một người chị khuyên tôi đi thi tuyển MC vào Truyền hình Công an nhân dân (CAND) – ANTV. Lúc đó, gia đình và rất nhiều người thân ngăn cản, vì cho rằng VTV đã là một môi trường làm việc rất tốt rồi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thử sức trong một vai trò mới nên quyết định đi đăng ký. Cũng vì vậy, tôi may mắn trở thành một trong 13 MC đầu tiên của ANTV và gắn bó tại đó tới nay đã 10 năm tròn.
Bước chân vào ANTV khi còn rất trẻ, điều gì khiến chị cảm thấy khó khăn nhất? Đã có lúc nào chị nghĩ mình "bỏ cuộc" để làm một công việc gì đó đỡ áp lực hơn?
- Khi mới về ANTV, kinh nghiệm dẫn chương trình với tôi là con số 0. Vì trước đó, tôi chỉ là một biên tập trong một số chương trình gameshow, chưa tham gia dẫn bất kỳ chương trình nào. Lúc đó, kênh ANTV lại đang trên đà gấp rút chuẩn bị ra mắt khán giả và lên sóng 24/24 giờ, nên áp lực đối với tôi là rất lớn. Chúng tôi được đào tạo cấp tốc dưới sự giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm của cô Kim Tiến – Phát thanh viên kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam.
Từ kỹ năng đọc, phong cách truyền đạt thông tin đến cách trang điểm, lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với tính chất từng bản tin… cô đã chỉ dạy chúng tôi rất nhiều.
Một khó khăn nữa đó là tính đặc thù của ANTV. Là một kênh chuyên biệt về an ninh trật tự, với rất nhiều từ chuyên ngành và các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an, tôi lúc đầu khá lúng túng và thiếu tự tin, nhưng bỏ cuộc là từ tôi chưa bao giờ nghĩ đến. "Văn ôn, võ luyện", với tôi, dẫn chương trình, trước hết là cứ đọc thật nhiều, nghe đi nghe lại mình đọc vậy đã được chưa… để tự hoàn thiện mình hơn.
Một may mắn ngoài sức tưởng tượng, đó là tôi được lựa chọn là MC dẫn chương trình trực tiếp Lễ bấm nút phát sóng ra kênh ANTV, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và gần 3.000 khách mời. Tôi vô cùng hạnh phúc khi mình hoàn thành nhiệm vụ. Ngày ANTV lên sóng chính thức cũng là ngày tôi được tiếp thêm động lực, tự tin bước trên con đường mà mình đã chọn.
Bản tin nào từng dẫn khiến chị xúc động hoặc khiến chị ghi nhớ nhất?
- Công việc chính của tôi là dẫn các bản tin thời sự chính luận. Ngoài ra, tôi còn tham gia dẫn các chương trình sân khấu, sự kiện của kênh. Chương trình mà tôi nhớ nhất lại là một chương trình được tổ chức trong Trại giam của Bộ Công an, tại Con Cuông, Nghệ An, với tên gọi "Tết đoàn viên".
Cảm xúc dẫn trong trại giam, trước mặt là giám thị, cán bộ quản lý trại giam và hàng trăm phạm nhân thực sự rất khác biệt so với bất kỳ sân khấu nào. Nhưng điều làm tôi không bao giờ quên, đó là câu chuyện của một phạm nhân nữ. Chị đi tù khi con còn đỏ hỏn, giao lại cho ông bà nuôi để chấp hành án. 3 năm chị đi là ngần ấy năm chị chưa được gặp con vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, xa xôi, bố mẹ già yếu. Chúng tôi đã xin phép Ban giám thị trại để tạo ra một cuộc gặp bất ngờ giữa nữ phạm nhân này và đứa con 3 năm chưa gặp. Khi tiếng đứa trẻ cất lên "mẹ ơi" giữa không gian tĩnh mịch nơi trại giam, tiếng người mẹ òa lên thổn thức, lao về phía con, đã khiến tôi nghẹn lại, vì tôi cũng có 1 em bé tầm tuổi đó.
Cuộc đoàn tụ cũng làm sân khấu hôm đó vô cùng xúc động, nhìn xuống thấy tất cả mọi người đều nước mắt nghẹn ngào, chúng tôi hiểu rằng, mình đã làm được một điều ý nghĩa khi Tết đến, xuân về với những con người đang phải chấp hành pháp luật ở đây.
Công việc truyền hình, đặc biệt dẫn bản tin Thời sự là một công việc đòi hỏi sự linh động, nhạy bén, khi mà sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã bao giờ Phương Thảo gặp sự cố và cách xử lý của chị là gì?
- Tất cả các bản tin Thời sự trên ANTV đều là bản tin trực tiếp, nên không phải không có những sự cố, tình huống bất ngờ, điều này buộc người dẫn chương trình phải linh hoạt trong xử lý tình huống. Thí dụ đơn giản như đang dẫn thì máy cue bị hỏng phải nhanh chóng nhìn xuống giấy, bắt chữ thật nhanh; đạo diễn hình bấm nhầm MC, đến lượt MC này dẫn thì lại bấm nhầm thành mình, nên phải nối tiếp ngay, không để khán giả nhận ra…
Có một tình huống do lỗi chủ quan mà tôi nhớ nhất, đó là một buổi dẫn chương trình An ninh ngày mới lúc 6h sáng. Dù đã để chuông dậy, nhưng tôi đã vô tình tắt chuông và ngủ tiếp. Lúc bạn dẫn gọi điện cho tôi đã là 5h30. Hoảng hốt, tôi lao ra khỏi nhà rất nhanh và trong vòng 20 phút tôi có mặt tại cơ quan. Rất may, chị trang điểm đã chờ sẵn, make up cơ bản mặt mũi, đầu tóc cho tôi. Tôi đã kịp thời vào sóng đúng giờ. Thật sự, khi quay xong câu nói "Kính chào quý vị khán giả đang theo dõi chương trình An ninh ngày mới của Truyền hình CAND" tôi mới hoàn hồn. Sau này, trong công việc, tôi luôn nhắc nhở mình chấp hành nghiêm túc về mặt thời gian.
Làm BTV của một kênh về An ninh có đặc thù gì so với các BTV khác?
- Theo tôi, BTV dẫn chương trình của ANTV và các BTV truyền hình khác đều giống nhau ở điểm đó là phải trau dồi kỹ năng dẫn và vốn kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành, chúng tôi cũng có chút khác biệt về phong cách. Chẳng hạn như một số bản tin sẽ được quy định mặc trang phục của ngành. Rồi các tin tức chủ yếu liên quan đến ANTT (cướp của, giết người…), an toàn giao thông, cháy nổ… nên thần thái dẫn có phần nghiêm nghị và cứng nhắc hơn các BTV khi dẫn các bản tin về chủ đề khác.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đó cũng là một điểm khác biệt, một sức hút riêng của ANTV và đây cũng là điều mà tôi rất tự hào khi được làm BTV dẫn chương trình của ANTV.
Gia đình ủng hộ chị như thế nào khi chị theo đuổi sự nghiệp truyền hình? Những khi đi sớm, về muộn theo đặc thù của công việc, chị sắp xếp công việc nhà như thế nào?
- Vì "nghề chọn người" nên tôi tiếp tục là người may mắn khi được cả gia đình ủng hộ, nhất là mẹ chồng tôi. Công việc của tôi luôn luôn đi sớm, về khuya, giờ giấc thất thường, thậm chí đi công tác nhiều ngày, nhưng mẹ chồng tôi chưa bao giờ phàn nàn, thay vào đó bà còn động viên tôi dành thời gian nghỉ ngơi, việc nhà cứ để bà lo. Có lẽ vì thế mà tôi chỉ thích ở chung với bố mẹ chồng.
Hiện tôi đã có một cô con gái 7 tuổi. Con cũng rất hay được tôi đưa lên cơ quan và con tỏ ra rất thích thú với công việc của mẹ. Tôi hy vọng sau này con cũng sẽ lựa chọn công việc giống tôi. Sự kỷ luật của ngành công an và những hấp dẫn, mới mẻ của ngành truyền hình đã khiến tôi yêu và gắn bó với ANTV cho tới hiện tại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.