Giữ làng tranh đang hấp hối

Thứ tư, ngày 20/03/2013 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tin Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bắc Ninh đang gấp rút hoàn thành hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để đệ trình UNESCO đang khiến nhiều người nao nức.
Bình luận 0

Nhưng ở làng Đông Hồ, giờ đây chỉ còn 2 nghệ nhân theo nghề...

Mất tên và sắp mất nghề

Làng tranh Đông Hồ chỉ còn tồn tại trong tên gọi của dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Bắc, còn trên thực tế, cái tên Đông Hồ không còn tồn tại nữa. Làng Đông Hồ nay là làng Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Mở đầu câu chuyện, nghệ nhân già Nguyễn Đăng Chế - 1 trong 2 nghệ nhân còn lại của làng còn đau đáu với nghề, tâm sự với chúng tôi:

“Nhờ báo chuyển lời lên trên giúp tôi, trả lại tên làng Đông Hồ cho chúng tôi đi, đã nói là tranh Đông Hồ mà tìm trên bản đồ không thấy Đông Hồ ở đâu thì ai mà đến được đây. Đi từ đường cái vào đây hỏi làng Đông Hồ chẳng ai biết, thế nên để vào được làng tranh không ít người phải tìm đỏ mắt. Bao nhiêu lần chúng tôi đã lên tiếng về việc này mà chẳng thấy ai hồi âm”.

img
Sản xuất tranh tại nhà Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Năm 1960, làng Đông Hồ sáp nhập với 2 thôn Tú Khê, Đậu Tú để trở thành xã Đông Khê, cái tên làng Đông Hồ cũng dần biến mất, cùng với sự mai một của nghề làm tranh, việc Đông Hồ không còn giữ được cái tên cũ cũng là một nỗi buồn trĩu nặng của những người còn tâm huyết với nghề.

Gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã bỏ tiền để xây dựng khu Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ, vừa sản xuất, vừa trưng bày ngay tại quê hương, đất thì được tỉnh cho thuê 50 năm. Từ khi khánh thành vào năm 2007 đến nay, trung tâm đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Không thể kể hết bao nhiêu công lao khi ông Chế đi thu thập các bản khắc gỗ, tiếp tục lại nghề làm tranh. Thế nhưng khi hỏi đến thu nhập thì ông buồn bã: “Nhà tôi sống được nhờ vào nghề nhưng làm nghề này không giàu được”.

Vào làng bây giờ, không khó để tìm thấy cơ sở của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, bởi làng Đông Hồ với 400 hộ dân giờ chỉ còn có 2 gia đình vẫn sản xuất tranh. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam khá buồn khi nhớ lại giai đoạn làng tranh chẳng còn tha thiết với tranh truyền thống; mộc bản khắc tranh có khi bị mang ra làm thớt băm bèo, có khi thì bị bán cho người buôn đồ cổ khiến nghề tranh càng mai một. “Cũng may mà dù ít nhưng tranh Đông Hồ vẫn bán được, vẫn có chỗ đứng trong lòng người” – anh Nguyễn Hữu Quả- con trai Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tự hào khi nhắc đến nghề tranh của gia đình mình.

Cần người lo đầu ra

Lật giở những cuốn sổ lưu niệm, ta có thể bắt gặp hàng nghìn lời khen tặng, bày tỏ sự mến mộ với tranh Đông Hồ và truyền thống làm tranh của gia đình Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Thế nhưng nói đến tình hình làm tranh của cả làng, anh Quả lại buồn buồn: “Bằng tuổi tôi làm nghề tranh này, trước phải có đến 50 người, nhưng rồi ai cũng bỏ sang làm hàng mã vì thu nhập cao hơn làm tranh nhiều. Nếu giờ được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cho một xóm 5 -10 nhà làm tranh, lo đầu ra cho xóm tranh đó, thế là tốt lắm rồi”.

Anh Quả cho biết, để hiểu tranh, cũng như phục chế được tranh thì người làm tranh và người thưởng tranh còn cần phải hiểu cả về chữ nghĩa, bởi trên mỗi bức tranh là những câu thơ, câu đề dẫn bằng chữ Hán, chữ Nôm. Người không biết dễ phục chế sai, hiểu sai có sứt mẻ cũng không biết, từ đó làm mất giá trị của tranh.

Ông Nguyễn Như Điều - Chủ tịch UBND xã Song Hồ:

“Xã cũng cố gắng tạo mọi điều kiện để giúp làng giữ được chút hương nghề. Trong xã còn nhiều người dân vẫn thành thạo nghề lắm, nếu tìm được đầu ra cho tranh Đông Hồ, tôi dám chắc nhiều người sẽ quay lại với nghề làm tranh truyền thống”.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cơ sở tranh của gia đình ông hiện là cơ sở có quy mô lớn nhất làng, thế nhưng tranh chỉ bán ở mức dè dặt, khách du lịch đến xem nhiều, chứ mua tranh thì ít. Những bức tranh đắt tiền nhà có sản xuất, nhưng chủ yếu là để trưng bày, lâu lâu mới có khách hỏi mua.

Ông Chế rất mong các cấp các ngành chức năng có thêm nhiều tác động để hỗ trợ và cứu làng nghề, nhất là tạo một đầu ra tốt cho dòng tranh dân gian này. Bên cạnh những mất mát về số lượng nghệ nhân, số lượng mộc bản bị mất mát, hiện còn rất ít gia đình giữ mộc bản làm kỷ niệm, ngoài ra còn khó khăn về các nguyên liệu sản xuất như gỗ thị làm mộc bản, giấy dó, hồ điệp…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Di sản, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Việc lập hồ sơ di sản cho nghề tranh Đông Hồ là một việc làm cấp thiết, UBND tỉnh đang gấp rút chỉ đạo các ban ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn để xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh theo yêu cầu của UNESCO. Việc lập hồ sơ khoa học sẽ được tiến hành đúng các bước theo lộ trình và dự kiến hoàn thành vào năm 2015”.

Bà Hoa cũng cho biết, tới đây sẽ xây dựng cơ chế đãi ngộ thích hợp với nghệ nhân, giúp các nghệ nhân có thêm động lực để duy trì và truyền dạy nghề. Đồng thời, tỉnh sẽ đưa ra các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cơ sở vật chất cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách có điều kiện thực hành nghề làm tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem