Giữa cái đói tháng 3 đang hoành hành, bữa trưa có thịt, cá này khiến các em háo hức...
Cô giáo Ong Thị Hiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học San Sả Hồ 2 ngậm ngùi: “Hầu hết trẻ ở các điểm trường thời gian này hàng năm chỉ ăn bữa sáng, trưa nhịn, chiều tối về mới ăn cơm. Từ ngày 7.4 đến nay, được sự giúp đỡ của Báo NTNN và một số nhà hảo tâm xây dựng 4 bếp ăn trưa cho 4 điểm trường, 310 học sinh của trường đã có bữa ăn trưa… ”.
Những đứa trẻ háo hức với bữa ăn có cá, có thịt.
Cậu bé Thào A Tôm (điểm trường 6) có cái nhìn đầy thán phục trước con cá biển lạ lẫm, nó quá to và quá lạ so với con cá trên những con suối nhỏ chảy qua bản. Dẫu chỉ là những con cá biển khô, nhưng cũng khiến những cô bé, cậu bé xưa nay, thấy miếng cơm trắng giữa mùa tháng Ba còn hiếm, háo hức vô cùng… Cơm trắng bốc hơi ngào ngạt, mùi cá rán thơm lừng, mùi thịt đã lâu lắm rồi mới thấy… khiến các cô cậu bé bồn chồn không yên.
Cậu bé Giàng Mí Páo hết vặn tay phải vào tay trái rồi lại vặn tay trái vào tay phải chờ cô giáo và các cô, các bác trong đoàn từ thiện đơm cơm lên những chiếc khay sạch sẽ do đoàn từ thiện mang đến; cá, thịt được chia đều... Kết thúc màn chia cơm, khi cô giáo và các bạn đồng thanh: “Tôi mời các bạn ăn cơm”, cả lớp học chỉ còn những tiếng “sụp”, “soạp” đầy phấn khích. Chen vào giữa lớp âm thanh vui tươi ấy là tiếng sụt sịt của những người đàn bà nhân hậu trong đoàn từ thiện.
Những tiếng sụt sịt ấy bỗng hóa thành tiếng nấc nghẹn thảng thốt khi rất nhiều cô, cậu bé đã để dành lại một vài miếng thịt, miếng cá, miếng trứng vốn đã ít ỏi cất đi, để đến chiều mang về cho em. Cô bé Thào Thị Dính còn cẩn thận bẻ miếng cá làm đôi rồi đem so kỹ, vì cô bé còn có hai đứa em chưa đi học, đang ở nhà.
Danh sách ủng hộ chương trình Bà Trần Bích Thuận (Công ty TNHH Sỹ Hùng, địa chỉ 403 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội): 1.000.000 đồng; Hội đồng tu Nhân Hòa, Nhân Chính: 600.000 đồng; Công ty Thương mại và Du lịch Bắc Á (địa chỉ số 11 đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội): 3.000.000 đồng; ông Trần Văn Hỷ (2A ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội): 1.000.000 đồng.
Các phật tử Hội Tích thiện liên phường Hà Nội ủng hộ 17.343.000 đồng. Toàn bộ số tiền trên, Hội đã mua xoong, nồi, đồ dùng nhà bếp, khay đựng cơm cho 310 học sinh và gạo, bánh kẹo, gia vị tặng 4 điểm trường thuộc Trường Tiểu học San Sả Hồ 2.
|
Những chiếc xoong, nồi to và đủ các đồ dùng thiết yếu cùng gạo, thực phẩm… được đoàn từ thiện mang đến tặng các điểm trường của Trường Tiểu học San Sả Hồ 2 đã đảm bảo được việc có thể tổ chức việc ăn uống tập trung cho các em học sinh.
Tuy nhiên, để có gì trong những chiếc xoong ấy lại là một câu hỏi khó mà các thầy cô không thể mãi trông đợi vào các đoàn từ thiện. Anh Sùng A Pó - phụ huynh học sinh, bảo: “Mùa này, bản tôi không nhà nào có được ngày ba bữa cơm nói gì đến bữa ăn có cá, thịt. Có được những bữa ăn thế này, bọn trẻ con chúng nó vui mà chúng tôi là phụ huynh cũng thấy vui lây”…
Trong không khí đầy vui tươi của lũ trẻ nhỏ vùng cao khi được ăn một “bữa cỗ” giữa những ngày thiếu cơm, khi ra về, tôi vẫn thấy những nét buồn ầng ậng trong đôi mắt của những người trong đoàn làm từ thiện.
Bà Nguyễn Thị Đào (Hội Tích thiện liên phường Hà Nội) đã hơn 10 năm nay đi khắp các nẻo đường làm việc thiện, thì thầm với tôi: “Ánh mắt háo hức, thèm thuồng của trẻ nghèo trước một bữa ăn ngon, một món quà khiến tôi day dứt nhiều lắm, bởi vẫn còn nhiều, rất nhiều những cảnh đời cần sự sẻ chia”.
Và nỗi ám ảnh này có sự trùng hợp rất đáng trân trọng với những người làm Báo NTNN. Đã 30 năm Báo NTNN ra đời để thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ sánh vai cùng những người nông dân nghèo, 30 năm qua những con người của Báo NTNN đã bị ám ảnh bởi những ánh mắt của trẻ nghèo, người nghèo, những phận đời khốn khổ… trên mọi miền Tổ quốc.
Chỉ mong có một ngày, những ánh mắt háo hức gây ám ảnh ấy không còn nữa.
Tuấn Lệ (Tuấn Lệ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.