Bùi Bài Bình: Từ “ma làng” đến Nghệ sĩ Nhân dân

Thứ tư, ngày 23/05/2012 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi tôi còn là một cô bé, Bùi Bài Bình đã là một tài tử của ảnh lịch, hồi ấy nhìn anh tôi thầm nghĩ: “Đàn ông chắc đẹp đến thế là cùng”. Giờ thì trên màn ảnh, trông anh ma quái, dị mọ...
Bình luận 0

... Nhưng trong tôi không hề nuối tiếc hình ảnh người đàn ông lịch lãm hồi xưa.

Một bát nước đầy

Hôm Bộ VHTTDL chính thức có quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho Bùi Bài Bình, tôi gọi điện chúc mừng anh. Anh cười hiền khô trong điện thoại: “Ừ, cũng vui em ạ”. Chỉ thế thôi, rồi anh nói anh đang phải đóng phim ở khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), đi suốt từ sáng đến tối mịt mới về.

img
Bùi Bài Bình trong phim “Gió làng Kình”.

Tôi biết tính anh, một khi đã nhận lời làm phim nào thì sẽ dành toàn bộ tâm huyết, tâm trí cho phim ấy, anh không muốn bị những chuyện bên ngoài làm sao nhãng. Thế nên tôi không tiếp tục nì nèo anh một cuộc gặp gỡ chuyện trò nào nữa cả.

Không gặp cũng có sao. Bùi Bài Bình vẫn luôn thế. Cho dù hôm nay anh có được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hay ngày mai, người ta lại nghĩ ra một danh hiệu cao quý nào khác nữa để trao cho anh, thì tình yêu của anh dành cho điện ảnh vẫn như vậy. Giống như một bát nước đã rót đầy, thì làm gì còn có chỗ để chứa thêm một giọt nào nữa.

Trong thế hệ diễn viên khóa II của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với những cái tên lẫy lừng một thuở như Thanh Quý, Diệu Thuần, Quốc Trọng, Bùi Cường, Ngọc Thu, Vũ Đình Thân… Bùi Bài Bình vừa may vừa không may.

May là bởi vì anh có cái ngoại hình đẹp trai theo kiểu rất “tiểu tư sản”, nên ra trường anh được làm hàng loạt vai thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ… tóm lại là hình ảnh của giới trí thức của thập niên 1980, 1990. Còn không may là bởi vì lúc điện ảnh thoái trào, những người cùng thời như Bùi Cường, Vũ Đình Thân chuyển hướng sang làm đạo diễn, thì anh vẫn chỉ là diễn viên thôi. Mà cái thời gần như cả Hãng phim Truyện VN thường xuyên ngồi uống nước trà mạn và ngáp vặt ở cổng số 4 Thụy Khuê, diễn viên đói đến mức nào, ai cũng hiểu.

Hồi ấy, vợ chồng Bùi Bài Bình- Ngọc Thu dựa vào quán cà phê nho nhỏ ở phố Đoàn Trần Nghiệp để nuôi họ và 2 cậu con trai, điện ảnh, nghề diễn chỉ là những thanh âm xa mờ của dĩ vãng, nhắc đến chỉ thêm buồn. Nhưng dù cho hàng ngày loay hoay với cốc, tách, phin pha và chiếc giẻ lau thường trực trên tay để xóa đi những vệt cà phê khách làm rớt xuống bàn, Bùi Bài Bình vẫn chờ đợi một ngày để sáng lên.

Mãi mãi là hương ổi

Ngày ấy đã trở lại khi đạo diễn Đặng Nhật Minh mang tới cho anh phim “Mùa ổi”. Hòa- nhân vật của anh là một người đàn ông 53 tuổi nhưng trong tâm não chỉ dừng lại ở con số tuổi 13, một tai nạn lúc trèo ổi đã làm đầu anh bị chấn thương. Bùi Bài Bình đã làm rất tốt vai ấy, anh đã “nhốt” và “khóa” được cậu bé 13 tuổi trong Hòa, để giữ mãi nụ cười trong lành và ánh mắt ngây thơ khờ dại không bị những xô lệch của cuộc đời làm cho vẩn đục, làm cho chát chúa đắng cay.

Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của Bùi Bài Bình trong “Mùa ổi”, tới mức bây giờ mỗi khi nghe trong gió chút hương ổi chín, là lại nhớ ngay đến anh. Như một mùi hương, như hình ảnh một ngôi nhà thiên đường đẹp đẽ của tuổi thơ, đã mất đi là không bao giờ tìm lại được nữa.

Mấy năm gần đây, Bùi Bài Bình gần gũi với khán giả nông thôn nhiều hơn qua hàng loạt vai trong “Hương đất”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”, toàn những vai xấu xa dị mọ, người chẳng ra người. Hình ảnh anh với da mặt sần sùi, nụ cười nham hiểm, đôi mắt đỏ sọc lên với gã trưởng thôn Khuếnh trong “Gió làng Kình” nhiều khi khiến tôi kinh hãi, nhưng phải diễn như thế mới là diễn chứ.

Bùi Bài Bình đã tham gia các phim điện ảnh "Kén rể", "Bức tường không xây", "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh", "Thị trấn yên tĩnh", "Lấy nhau vì tình", "Mưa dầm ngõ nhỏ", "Ẩn diện thiền cô", "Sơn ca trong thành phố", "Ngày chủ nhật vắng Chúa", "Mùa ổi"...

Không hiểu những nữ diễn viên 9x vào vai thôn nữ mà vẫn cố trau chuốt mượt mà, đến trường quay nhiều khi còn không nhớ tên nhân vật sẽ nghĩ gì khi biết Bùi Bài Bình đã dành ra gần 4 tháng trước khi phim bấm máy, chỉ để sống, để chiêm nghiệm với vai Tòng trong “Ma làng” hay với Khuếnh?

Đời diễn viên của anh nghèo, chẳng dễ dàng có được nhà lầu xe hơi và những hợp đồng quảng cáo kếch xù như diễn viên bây giờ. Lúc anh ở đỉnh cao phong độ, cũng chẳng có fan nữ nào xinh như mộng, ôm gấu bông hay những bó hoa to tướng la hét gào thét gọi tên anh như thể các fan trẻ thời bây giờ.

Nhưng Bình ơi, anh có những fan riêng của thế hệ anh. Những người ngượng ngùng tới mức không bao giờ dám thò sổ tay ra xin anh một chữ ký gọi là, nhưng trong lòng họ, dù anh có là ai: Là một chàng tuổi trẻ bảnh bao hay một gã trung niên ngoại hình xấu xí, tâm hồn què quặt tới mức đáng thương, thì tình cảm họ dành cho anh vẫn vẹn nguyên như thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem