Vùng đất nhiều tiềm năng
Theo những người cao tuổi trong xã kể lại, xa xưa, vùng đất Phúc Ninh hầu hết là đồng bào dân tộc Tày, Dao bản địa sinh sống. Họ ở quần tụ thành từng làng, bản để xua tan sự heo hút. Vào những năm 60-70 của thế kỷ 20, những người đi xây dựng vùng kinh tế mới từ đồng bằng Bắc Bộ tới đây sinh sống, khai khẩn đất hoang. Thấy vùng đất có nhiều thuận lợi, nhiều hộ khi về Hà Nội thăm quê đã không quên mang ít giống bưởi Diễn lên trồng thử. Quả là bất ngờ, bưởi Diễn trồng trên đất Phúc Ninh hợp đất, khí hậu. Chất lượng quả đồng đều, ăn ngon không kém bưởi Diễn chính gốc. Lúc đầu, các hộ chỉ trồng để ăn chơi, sau thấy bán được mới nhân rộng ra cả vùng.
Vườn bưởi 10 ha của ông Nguyễn Văn Giầu có nhiều gốc lâu năm cho sai quả. Ảnh: L.Q.H
Hiện xã Phúc Ninh có 210ha bưởi, phần lớn là bưởi Diễn, trong đó có hơn 100ha đã cho thu hoạch. Theo kế hoạch, từ nay đến 2020, xã chuyển thêm 1.00ha đất rừng sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây bưởi…
|
Những ngày cuối năm này, đi trên những cung đường bê tông khang trang dẫn vào 16 thôn của xã Phúc Ninh đâu đâu cũng thấy những vườn bưởi ngút ngát xen lẫn những căn nhà xây cao tầng. Trưởng thôn Ao Dăm - Nguyễn Duy Thanh dẫn khách tới tham quan vườn cây ăn quả rộng 16ha, trong đó có 10ha bưởi Diễn của tỷ phú Nguyễn Văn Giầu. Ông Giầu cho biết, qua trồng thử thấy cây bưởi Diễn rất có triển vọng ở vùng đất này nên năm 2.000 gia đình bắt đầu trồng hàng loạt.
Ông Giầu xuống tận vùng đất Diễn, Hà Nội đặt giống, lúc đầu lấy 700 gốc, rồi nhân dần ra. Toàn bộ đất vườn tạp, soi bãi, đồi nương được ông “trưng tập” trồng bưởi. Gần đây, ông còn trồng thêm cả bưởi đường Soi Hà, bưởi da xanh nhưng chủ lực vẫn là bưởi Diễn. Bưởi Diễn không kén đất, sản lượng đều, ít khi mất mùa, thời gian bảo quản quả được lâu, giá cả ổn định. Ông Giầu nhẩm tính, cây bưởi Diễn năm thứ 4-5 trở đi là cho thu hoạch. Mỗi cây cho từ 70-100 quả. Vụ 2016 nhà ông Giầu ước tính thu trên 10.000 quả, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.
Thấy nhà ông Giầu làm được, các hộ ở thôn Ao Dăm cũng làm theo và hầu như nhà nào cũng có bưởi. Từ một đốm nhỏ, nay cây bưởi Diễn lan ra cả một vùng. Anh Trần Ngọc Thiệp, thôn Ao Dăm khẳng định, cây bưởi Diễn đã giúp người dân địa phương đổi đời. Nhà anh có 300 cây bưởi Diễn, trong đó có 100 cây cho thu hoạch, mỗi năm thu về 200 triệu đồng. “Trồng cây bưởi Diễn thực sự không khó, chỉ cần chú ý một chút là làm được. Đó là bón đầy đủ phân vô cơ, hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, chống ruồi vàng và thường xuyên tưới nước” - anh Thiệp cho biết.
Nhận thấy giá trị của cây bưởi Diễn, người dân nơi đây đã tập trung chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng quả tăng lên…
Tạo vùng chuyên canh lớn
Anh Phạm Thừa Toàn ở thôn Khuôn Thống trồng 450 gốc bưởi Diễn, hiện có 240 cây cho thu hoạch, hàng năm thu nhập trên 300 triệu đồng. Ảnh: L.Q.H
Đứng trên mỏm đồi cao phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng Phúc Ninh giờ toàn bưởi là bưởi, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Ao Dăm, Khuôn Thống, Soi Tiên, Lục Mùn... Bưởi xung quanh vườn nhà, bưởi ngoài soi bãi, bưởi leo lên đồi. Nhìn vườn nhà nào cũng treo lủng lẳng quả nom rất thích mắt.
Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh không giấu nổi niềm vui khoe: Hiện địa phương có 210ha bưởi, phần lớn là bưởi Diễn, trong đó có hơn 100ha đã cho thu hoạch. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XX xác định, cây ăn quả là thế mạnh, địa phương tập trung phát triển cây bưởi thành vùng chuyên canh. Cụ thể đến năm 2020, Phúc Ninh phấn đấu mở rộng diện tích cây ăn quả toàn xã lên 460ha, trong đó có 250ha cây bưởi.
Để tạo vùng chuyên canh lớn, vấn đề mấu chốt lúc này là phải tạo được thương hiệu bưởi Phúc Ninh. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã có nhiều buổi họp, thống nhất giao Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh việc làm hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa bưởi đặc sản Phúc Ninh. Tháng 4.2016, cây bưởi Diễn ở Phúc Ninh đã chính thức được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho các hộ trong xã nhằm canh tác bền vững, cho chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Thời điểm cuối năm này, các lái buôn ở dưới xuôi bắt đầu đi xem quả trả giá các vườn bưởi. Các gia chủ có thể bán xô cả vườn hay bán theo quả. Bưởi Diễn chín rộ tập trung vào dịp giáp tết nên phần tiêu thụ khá thuận lợi, hơn nữa bưởi bứt xuống có thể để “héo” tự nhiên được 4-5 tháng. Bà Nguyễn Thu Hồng, một lái buôn bưởi chuyên nghiệp ở Hà Nội cho biết, khách hàng của bà chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn ở thủ đô và các thành phố lân cận. Sau khi ăn bưởi Phúc Ninh, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nên người buôn khá yên tâm. Nay bưởi Phúc Ninh đã được dán logo bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người buôn, người tiêu dùng càng an tâm. Ngay sau khi được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh Nguyễn Bách Hải đã họp các hộ trồng bưởi ký cam kết sản xuất, bán bưởi tuân thủ đúng quy chuẩn, quy trình. Anh Phạm Thừa Toàn, thôn Khuôn Thống trồng 450 cây bưởi Diễn vẫn còn đang “lâng lâng” vì bưởi nhà anh năm nay được dán nhãn bưởi đặc sản Phúc Ninh. Cây bưởi đã có tên tuổi và đầu ra vững chắc, người dân ai cũng mừng.
Một niềm vui nữa lại đến với người trồng bưởi Phúc Ninh, tháng 5.2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Để có sản phẩm nông nghiệp hành hóa, vấn đề quy hoạch vùng chuyên canh tập trung là yếu tố cốt lõi. Để triển khai nghị quyết, xã Phúc Ninh đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh rà soát, quy hoạch, chuyển đổi thêm 1.000ha rừng sản xuất để trồng cây ăn quả, trong đó tập trung cho cây bưởi Diễn, tạo ra vùng chuyên canh lớn. Từ đây công ăn việc làm ở địa phương được tạo ra, thu nhập đầu người tăng nhanh, xã phấn đấu giảm hộ nghèo 22% hiện nay xuống còn 4% vào năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.