Cá chết rải rác quanh năm, người nuôi cá Hải Dương đau đầu tìm cách ứng phó dịch bệnh
Cá chết rải rác quanh năm, người nuôi cá Hải Dương đau đầu tìm cách ứng phó dịch bệnh
Thứ bảy, ngày 12/08/2023 15:25 PM (GMT+7)
"Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, nhưng hiện nay người nuôi cá truyền thống ở Hải Dương đang lao đao bởi giá bán thấp cùng với dịch bệnh bủa vây.
Những năm trước, nghề nuôi cá truyền thống từng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) nhưng nay đã khác.
Anh Đặng Văn Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đoàn Kết cho biết, vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã Đoàn Kết có gần 90 ha với khoảng 350 hộ nuôi cá. “Khoảng mấy tháng nay, cá chết nhiều. Có hộ ngày nào cũng phải vớt cá chết. Cá chết chủ yếu là rô phi kèm theo trắm, chép có trọng lượng lớn nên thiệt hại nhiều. Có những nhà khi kéo ao lên cá bị thất thoát, lỗ 60 -70 triệu đồng. Nhà nào may mắn, cá chết ít thì cũng chỉ hòa vốn”, anh Tuyền nói.
Gần 30 năm nuôi cá, ông Nguyễn Văn Tưng ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thấy rõ những khó khăn mà người nuôi cá đang phải đối mặt.
Ông Tưng cho biết: “Gia đình tôi có 10 mẫu ao nuôi cá. Trước đây, tôi đều nuôi cá truyền thống nhưng mấy năm gần đây hiệu quả thấp, thua lỗ nhiều. Hầu như sáng nào cá trong ao cũng bị chết, ít thì một vài con, nhiều thì cả chục con. Ở khu vực này, có nhà bị chết hàng tấn cá, thiệt hại không kể hết. Gia đình tôi tuy thiệt hại không nhiều nhưng với giá bán thấp, cá trắm, chép to chỉ từ 50.000 – 55.000 đồng/kg thì không có lãi”.
Theo các hộ chăn nuôi, trước đây, tỷ lệ cá hao hụt trong quá trình nuôi từ 5 – 7% thì nay tăng lên 15 – 20%. Môi trường ô nhiễm cùng với những biến đổi ngày càng thất thường của thời tiết khiến cá thường xuyên phát sinh dịch bệnh.
Nguồn nước bên ngoài bị ô nhiễm nên thay vì thường xuyên được thay thì nước trong ao chỉ xử lý bằng vi sinh do vậy không thể tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Cá thường bị các bệnh về nấm và bệnh liên quan đến đường hô hấp... Trước đây, cá chỉ chết nhiều vào thời điểm giao mùa thì nay cá bị bệnh, chết rải rác quanh năm. Cá có trọng lượng lớn chết nên gây thiệt hại cho các hộ nuôi.
Chi phí cho mỗi sào ao nuôi cá, thuốc, men vi sinh hết khoảng 10 triệu đồng, cộng với tiền thức ăn chăn nuôi ngót 50 triệu đồng. Giá cá lại xuống thấp, kéo dài, thu không đủ bù chi nên người nuôi cá truyền thống đang không có lãi, nhiều hộ bị thua lỗ.
Người nuôi cá cầm cự
Không chỉ các hộ nuôi cá trong ao gặp khó mà ngay cả các hộ nuôi cá lồng trên sông cũng trong tình trạng tương tự. Nguồn nước ít ô nhiễm nhưng dịch bệnh trên cá vẫn tiếp diễn, nhất là các loại bệnh trên cá rô phi, trắm, chép... khiến nhiều hộ nuôi cá lồng không thể cầm cự.
Ông Phạm Văn Khải ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) từng có hơn 20 lồng nuôi cá trên sông. Chỉ khoảng vài năm trước, mỗi lồng nuôi cá trắm, chép ông thu lãi từ 70 – 80 triệu đồng, có lồng lãi cả trăm triệu đồng nhưng nay không còn nữa. Những lồng nuôi cá hiệu quả giờ đây thành nơi cư ngụ của đám bèo tây, cỏ dại. Nhìn đống tài sản hàng trăm triệu ngâm dưới nước, ông Khải thở dài bảo: “Ở đây có khoảng 200 lồng nuôi thì quá nửa số lồng phải bỏ trống. Cá chết nhiều, cụt vốn nên tôi đành buông xuôi".
Giờ cả khu lồng trở thành nơi câu cá giải trí của các cần thủ. "Chúng tôi đang cầm cự, nghe ngóng, mong giá thức ăn chăn nuôi giảm mới dám đầu tư lại”, ông Khải cho biết.
Theo Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hải Dương hiện có gần 15.000 ha nuôi thủy sản, trong đó có khoảng 2.000 ha nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao. Trước tác động của thời tiết cùng với biến động lớn của thị trường như giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi giảm đã khiến nhiều hộ nuôi cá truyền thống lao đao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.