Một giếng cổ hoa văn đẹp lạ ở Hải Dương lấy mạch nước sông Đuống, cả làng coi như báu vật

Thứ hai, ngày 07/08/2023 05:17 AM (GMT+7)
Từ bao đời rồi, cuộc sống của người dân làng Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) gắn bó với cái giếng cổ nằm giữa làng.
Bình luận 0

Hồn quê giếng cổ

Về thăm làng Ngọc Quyết vào một ngày đầu xuân, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của miền quê thuần nông này. 

Những ngôi nhà khang trang, đường làng ngõ xóm được trải bê tông rộng thênh thang. Đưa chúng tôi dạo quanh làng, ông Nguyễn Văn Oanh tự hào khoe: “Dù nhiều thứ đã thay đổi, làng tôi vẫn lưu giữ một chiếc giếng cổ được làm bằng đá và gạch nung rất độc đáo. 

Dù trong mùa khô nhưng giếng không bao giờ cạn nước. Trước đây, người dân ở các vùng lân cận cũng sang đây lấy nước về dùng”.

Giếng cổ nằm ở giữa làng. Các cụ cao tuổi ở đây cũng không biết giếng có từ đời nào mà chỉ biết rằng giếng được đặt ở vị trí này để thuận tiện cho mọi người dân trong làng. 

Tận mắt chứng kiến chiếc giếng cổ mới thấy hết nét đẹp độc đáo của nó. Miệng giếng tròn có đường kính gần 2 m được ghép bằng 9 miếng đất nung họa tiết cầu kỳ có bản to, cong màu đỏ. 

Nhìn bề ngoài, miệng giếng trông như hình một bình hoa đất nung rất đẹp. Trên mỗi miếng ngói đều có hoa văn, họa tiết khá tinh xảo với hình ảnh của hoa sen, lá sen. Phần chân của mỗi miếng ghép khắc hình con chồn, con lân với nhiều chi tiết cầu kỳ.

Theo ông Oanh, trước đây trên miệng giếng còn có 9 miếng ghép nhỏ tạo thành viền miệng giếng nhưng qua thời gian đã bị thất lạc. 

Hiện nay chỉ còn lại 2 mảnh ghép tương đối hoàn thiện. Viền diềm trang trí miệng giếng cũng có hoa văn tinh xảo khắc hình con chồn, con lân. Phía trong thành giếng cổ được ghép bằng những miếng đá dài bản xếp so le nhau. Cách miệng giếng khoảng gần 1 m, có 11 chiếc cối đá được xếp vòng theo khuôn giếng để trang trí.

 

Một giếng cổ hoa văn đẹp lạ ở Hải Dương lấy mạch nước sông Đuống, cả làng coi như báu vật - Ảnh 1.

Bề ngoài miệng giếng cổ của làng Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) như hình một bình hoa đất nung rất đẹp.

Để tìm hiểu về lịch sử của giếng cổ làng Ngọc Quyết, chúng tôi tìm gặp ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương. 

Ông Hoành cho biết: “Qua nghiên cứu có thể khẳng định giếng làng Ngọc Quyết xuất hiện vào đầu thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ XVII). Đây là chiếc giếng cổ được làm bằng đất nung khá độc đáo và duy nhất tìm thấy đến nay tại tỉnh ta. 

Giếng cổ giống như ở làng Ngọc Quyết chỉ xuất hiện trong một giai đoạn của thế kỷ XVII, sang thế kỷ sau không tìm thấy nữa”. 

Ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu giá trị của giếng cổ này. Theo các chuyên gia khảo cổ, hoa văn của giếng làng Ngọc Quyết có sự khác biệt rõ rệt so với các thời khác. Cánh sen rộng, màu sắc đậm hơn so với thời Lý, Trần.

Chất liệu làm giếng cũng rất độc đáo. Thông thường, người xưa dùng đá để dựng giếng nhưng giếng này lại làm bằng đất nung. 

Các miếng đất nung và ngói ghép trên miệng giếng được làm khá tinh xảo và có thể do các nghệ nhân của một số làng nghề địa phương lân cận tạo ra như làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách) hoặc làng gốm sứ Cậy (huyện Bình Giang). 

Hiện nay, tại xã Minh Đức (Tứ Kỳ) có một chiếc giếng cổ được làm bằng đá có hình dáng giống giếng cổ làng Ngọc Quyết cũng được xác định niên đại vào thế kỷ thứ XVII.

Cũng theo ông Tăng Bá Hoành, giếng cổ làng Ngọc Quyết là một di sản quý đánh dấu sự phát triển văn minh làng xã của người Việt nói chung và người dân làng Ngọc Quyết nói riêng. Nó biểu hiện sự trân trọng của người dân với nguồn nước ăn. Có thể vì vậy mà người dân đã lập miếu thờ ngay bên cạnh giếng.

Gìn giữ báu vật của làng

Gần hết cuộc đời gắn bó với làng Ngọc Quyết và chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Văn Miện năm nay đã 81 tuổi vẫn nhớ như in hình ảnh các mẹ, các chị sau những buổi làm việc đồng áng vất vả lại về đây để lấy nước rửa tay, rửa chân, tắm giặt, nấu cơm... 

Còn ông Oanh kể: “Thời còn nhỏ, sau mỗi buổi nô đùa, tôi và lũ bạn lại kéo nhau ra đây tắm. Nước giếng trong và mát lắm. Khi ấy, nhiều người dân của làng khác cũng sang đây lấy nước về dùng vì nước ở đây sạch và không bao giờ cạn. Nhiều khi tận đêm mới vãn người đến lấy nước".

Theo người dân địa phương, để có được nước giếng trong và sạch, các cụ ngày xưa đã khéo chọn vị trí để đặt giếng. Vị trí này có mạch nước ngầm chảy từ nhánh của sông Đuống, nền giếng có nhiều cát, đất sét giúp lọc nước sạch, trong hơn và ngọt hơn. 

Điều đặc biệt là dưới đáy giếng được đặt các tấm gỗ xếp chồng lên nhau. Các cụ cao tuổi của làng giải thích làm vậy để hạn chế áp lực chảy mạnh của mạch nước, giúp quá trình lọc nước tốt hơn. 

Ông Miện khoe: “Nước giếng mát và ngọt lắm. Nhiều người ở xa về quê đã lấy nước đựng vào can mang đi để dùng. Hiện nay, mặc dù các gia đình đã dùng nước máy nhưng nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng. Mỗi khi có khách đến chơi, tôi lại nhờ cháu ra giếng lấy nước về pha trà đãi khách”.

Trải qua thời gian, nhiều miếng ghép đã bị mất, hoa văn, họa tiết bị mưa nắng bào mòn... Những năm qua, người dân địa phương thường xuyên trông coi và có nhiều cách bảo vệ giếng cổ của làng. 

Một số người dân còn góp gạch, góp công để xây bờ rào bao quanh và nhắc nhở con cháu không được vứt rác xuống giếng. 

Từ năm 1990, để giữ gìn nguyên hình chiếc giếng cổ, Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu và phục dựng để nghiên cứu khảo cổ sau này. Hiện nay, phiên bản của chiếc giếng đang được đặt tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Nhiều người dân địa phương mong mỏi giếng cổ làng Ngọc Quyết sẽ được quan tâm bảo tồn, nhằm gìn giữ một di sản quý.

Đức Tâm (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem