Cà chua beef công nghệ cao trồng kiểu gì để tạo sản phẩm OCOP tại Yên Bái?
Trồng cà chua beef công nghệ cao, xây dựng thương hiệu để tạo sản phẩm OCOP tại Yên Bái
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ sáu, ngày 22/12/2023 05:52 AM (GMT+7)
Nhận thấy mô hình trồng cà chua beef công nghệ cao trong nhà lưới rất hiệu quả và trên thị trường đang đánh giá cao, chính quyền địa phương huyện Văn Yên (Yên Bái) mong muốn xây dựng sản phẩm này thành sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024 và kỳ vọng sản phẩm sẽ đi vào các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch...
HTX dịch vụ hữu cơ Trung Thành là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới công nghệ cao để sản xuất cà chua beef. HTX được thành lập năm 2017 tại xã Yên Hợp với tất cả 9 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả trong lĩnh vực nông nghiệp như cà chua, rau cải, dưa chuột…
Ban đầu HTX chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống nên giá trị và sản lượng chưa cao. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện Văn Yên, các thành viên HTX đã cùng nhau góp vốn để đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới công nghệ cao với chi phí hơn 700 triệu đồng nhằm phát triển sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện mô hình nhà lưới đang có tổng diện tích 1.500m2, chủ yếu trồng cà chua Beef kết hợp với trồng dưa chuột 1 năm 3 vụ.
Cà chua Beef là giống cà chua có nguồn gốc từ Châu Âu, có nhiều ưu điểm như quả to, chắc, ít hạt, đặc ruột. Trọng lượng trung bình mỗi quả có thể đạt từ 280 – 300g.
Chị Bùi Thị Quỳnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Hợp, thành viên HTX Trung Thành cho biết: Với mô hình sản xuất trong nhà lưới sẽ giúp hạn chế đáng kể sâu bệnh và ảnh hưởng của thời tiết, giúp cho rau màu phát triển thuận lợi và an toàn hơn, chất lượng sản phẩm được nâng lên, từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đối với cà chua beef một năm gia đình chị Quỳnh trồng 2 vụ, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 3 tháng, thời gian sinh trưởng kéo dài từ 6 – 8 tháng. Điều thuận lợi khi thu hoạch cà chua đó là có thể thu hoạch rải rác ra nhiều ngày mà vẫn không lo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Còn dưa chuột được trồng 3 vụ/năm, dưa chuột có thời gian sinh trưởng phát triển nhanh hơn, từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ trong vòng 1 tháng. Nếu chăm bón tốt thì thời gian thu hoạch dưa chuột có thể kéo dài khoảng 1,5 tháng.
Hiện tại, với diện tích 1.500m2 nhà lưới, gia đình chị Quỳnh đang có hơn 800 cây cà chua và 1.200 gốc dưa chuột được chăm sóc theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hoá học. Trong quá trình trồng và chăm sóc, HTX luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phòng Nông nghiệp huyện về kỹ thuật cũng như Hội phụ nữ và Liên minh HTX thông qua việc mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật.
Về cơ bản dưa chuột cho thu nhập tốt và ổn định, hiện dưa chuột được chị Quỳnh bán với giá 18.000đ/kg, còn cà chua beef có giá dao động từ 20.000 – 25.000đ/kg. Trung bình mỗi năm, thu nhập từ trồng dưa chuột và cà chua của gia đình chị Quỳnh đạt khoảng 70 – 80 triệu đồng.
Hiện sản phẩm chủ yếu được HTX bán cho các đại lý và cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thông qua hình thức online là chính. Nhờ chất lượng đảm bảo nên sản phẩm của HTX được tiêu thụ hết sức dễ dàng.
Xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm
Sau khi sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận, dự kiến sang năm 2024, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích nhà lưới để có thêm nguồn hàng ổn định đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu sản lượng đảm bảo, HTX sẽ hướng tới đưa sản phẩm vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP.Hà Nội cũng như đưa vào các trường học trên địa bàn.
Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà chua beef trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Ngoài trồng rau trong nhà lưới, hiện nay các thành viên HTX còn đang phát triển diện tích hơn 1ha rau màu để đảm bảo diện tích cho các thành viên sản xuất. Theo chị Quỳnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX đó là nguồn vốn để phát triển sản xuất, do đó, HTX rất mong muốn được các cấp, ngành địa phương tiếp tục hỗ trợ để có thêm nguồn vốn đầu tư nhà lưới tạo thuận lợi cho HTX phát triển mô hình trồng rau, củ, quả.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Xuân Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp khẳng định: Mô hình trồng cà chua beef trong nhà lưới của HTX Dịch vụ hữu cơ Trung Thành là một trong những mô hình mới trên địa bàn huyện Văn Yên. Qua bước đầu đánh giá, chính quyền địa phương nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tương đối tốt, mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trồng rau sạch, rau hữu cơ trên địa bàn.
Đối với địa phương đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể cho HTX như quy hoạch đất đai để HTX có điều kiện sản xuất, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và các chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2025 – 2030, trong đó hỗ trợ đưa cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất.
Đến nay, mô hình sản xuất cà chua beef trong nhà lưới rất hiệu quả và trên thị trường đang đánh giá cao sản phẩm này. Sản phẩm đã có tem mác truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể theo dõi quy trình sản xuất, từ đó tạo uy tín thương hiệu cho sản phẩm.
Cũng theo ông Trung, trong năm 2024, địa phương đang định hướng để xây dựng sản phẩm cà chua beef thành sản phẩm OCOP 3 sao, do đó địa phương đã yêu cầu HTX mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch và an toàn.
"Khi sản phẩm cà chua được chứng nhận OCOP, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm có thể đi vào các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường", ông Trung mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.