Cả đời lo nghiệp “trồng người”

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ tình yêu sâu nặng với nghề, các thầy cô đã cống hiến cả đời mình để gieo chữ, ươm mầm xanh tương lai ở những nơi gian khó nhất. Nỗ lực của họ được công nhận ngày 18-11 vừa qua tại Hà Nội.
Bình luận 0

Cô giáo người Mông “giành” học sinh từ hủ tục

Cô Hầu Thị Sải – Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng là cô giáo người dân tộc duy nhất được phong tặng Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) năm nay. Cô về nhận công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thông Công vào tháng 9 – 1983.

Sau 7 tháng dạy tại trường, mặc dù chưa được biên chế nhưng do được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lòng tin yêu của học trò và khả năng chuyên môn tốt, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng.

Suốt những năm công tác tại trường, cô cùng các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều làm cô trăn trở nhất là tình trạng bỏ học và tảo hôn của đồng bào dân tộc cứ mỗi năm lại “cướp” mất của trường hơn 10 em học sinh chăm ngoan học giỏi. Vì vậy, cô tìm mọi cách giữ các em ở lại trường lớp.

Nhờ sự nỗ lực của cô mà hiện nay trường đã không còn tình trạng học sinh bỏ học. 28 năm làm nghề giáo dù chưa năm nào cô nhận được một bó hoa từ học trò trong ngày 20 – 11, vì học sinh vùng cao rất nghèo, ăn còn chưa no, mặc còn chưa ấm nhưng cô vẫn rất vui bởi sự ham học của học trò, bởi những bông điểm 9 – 10 trong bảng thành tích của các em. “Đó chính là những niềm tự hào và hạnh phúc nhất”- cô Sải chia sẻ.

Từ tạp vụ tới Nhà giáo Ưu tú

Do mưu cầu cuộc sống mà tình cờ cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Nhật Linh quê ở vùng đất đầy nắng và cát cháy Quảng Bình đã “bén duyên” với vùng đất Phú Riềng, Bình Phước. Không lâu sau ngày được nhận làm nhân viên dọn dẹp cho Trường Mẫu giáo Phú Riềng B, cô Linh đã được các em yêu quý, ban giám hiệu cảm tình cho đi học lớp sư phạm mầm non của tỉnh Sông Bé.

Trở lại chốn cũ sau 2 năm học với chồng chất những khó khăn, nhiều lúc ngỡ phải bỏ nghề ấy vậy mà cô vẫn vươn lên chỉ với một mong muốn được trở thành “người mẹ thứ 2” của các cháu.

Suốt 24 năm công tác cô không ngừng tìm tòi, sáng tạo các phương pháp giảng dạy mới, cải tiến trang thiết bị dạy học, đồ chơi, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ qua sách báo… cho các cháu mà nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ. Cô Linh chia sẻ thêm về cách giáo dục trẻ mẫu giáo có hiệu quả là “Trăm lời nói hay vẫn không có tác dụng bằng một việc làm tốt”.

Theo đó không chỉ nói lời hay, mà vì trẻ hay bắt trước nên phải làm nhiều việc tốt để trẻ học theo. Tâm sự về nghề giáo, cô Linh chia sẻ: “Là một giáo viên đứng lớp ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng tôi đã cùng đồng nghiệp đã không ngừng sáng tạo với mong muốn thay đổi cách thức giảng dạy để đưa Trường Mẫu giáo Phú Riềng thành trường chuẩn quốc gia”.

Trong suốt 24 năm công tác, cô Nguyễn Thị Nhật Linh đã nhận được nhiều thành tích như: Nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, liên tục 13 năm (1995-2008) là chiến sĩ thi đua cấp huyện, tỉnh. Vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng 4 bằng khen vì có thành tích sáng tạo khi thực hiện các chuyên đề có tính ứng dụng trong toàn ngành.n

Ngày 18 – 11 tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD – ĐT tổ chức Lễ kỷ niệm 28 năm “Ngày nhà giáo Việt Nam” và gặp mặt đại diện các NGND, NGƯT được Nhà nước phong tặng Lần thứ XI, năm 2010. Tại buổi lễ, 250 nhà giáo đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, trong đó có rất nhiều tấm gương nhà giáo miền núi, nông thôn vượt khó.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem