Cách nay khoảng một tháng, UBND TP.HCM ban hành quyết định về kiện toàn ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban này do một phó chủ tịch thành phố làm trưởng ban. Ban liên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với uỷ ban chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố và chỉ đạo sở, ngành…
Nhiều cơ quan quản lý nhưng nguy cơ miếng thịt mất an toàn vẫn rất cao.
Dưới ban liên ngành, thành phố cũng vừa lập thêm ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc UBND. Ban được thành lập trên cơ sở tổ chức lại chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở Công thương. Theo quy định của thành phố, việc triển khai thí điểm ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ thống nhất một đầu mối quản lý chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến chế biến.
Trên lý thuyết, việc lo miếng ăn cho hơn chục triệu dân thành phố chỉ cần một ban quản lý như vậy là đủ. Tuy nhiên, song song với đó, hiện chi cục An toàn, sở Nông nghiệp, sở Công thương, chi cục Thú y, chi cục Bảo vệ thực vật, lại vẫn duy trì các cách quản lý thực phẩm như cũ. Tình trạng này, theo nhiều ý kiến, đang làm vấn đề chồng chéo, phức tạp thêm.
Điển hình nhất là miếng thịt heo. Hiện có tới ba cơ quan đang đeo đuổi truy xuất nguồn gốc gồm sở Công thương, sở Nông nghiệp, ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Ba cơ quan này, cùng triển khai đề án truy xuất “y chang” nhau. Nếu sở Công thương là đề án “heo đeo vòng”, thì sở Nông nghiệp là “dự án nâng cao năng lực ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố (dự án Lifsap)”, còn ban Quản lý an toàn thực phẩm là truy xuất nguồn gốc từ trại đến bàn ăn (trong đó có cả con heo). Đến nay, dự án Lifsap phình thành được 30 nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi an toàn) tại tám xã ở Củ Chi và xã Xuân Thới Thượng ở Hóc Môn, với sự tham gia của 694 hộ chăn nuôi, với tổng đàn 42.000 con.
Ngoài ra, ban quản lý Lifsap cũng đã hoàn thành vệc nâng cấp quầy, sạp kinh doanh thực phẩm tươi sống trên địa bàn thành phố đủ điều kiện an toàn thực phẩm, và đưa vào hoạt động ở 11 chợ truyền thống, tổng quy mô là 422 quầy sạp. Sở Công thương “đeo vòng” cho heo được nửa tháng. Chưa hết, một đơn vị nhỏ hơn là chi cục Thú y, sở Nông nghiệp, cũng cho biết đang có đề án quản lý con heo từ trại thông qua kiểm soát dịch bệnh...
Lẽ ra, nhiệm vụ truy xuất, quản lý an toàn thực phẩm nên chỉ giao cho Sở Nông nghiệp và ban Quản lý an toàn thực phẩm làm là đủ. Vì sở Nông nghiệp có phòng chăn nuôi, có sẵn trong tay đội ngũ thú y có kinh nghiệm quản lý con heo từ con giống đến lúc xuất chuồng. Với chức năng, nhiệm vụ, tiềm lực được đầu tư, ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố sẽ biết cách quản lý con heo khi đưa vào giết mổ, cung cấp ra thị trường. Còn sở Công thương, vừa không có con người, vừa không có kinh nghiệm, lại nhảy vào quản lý truy xuất nguồn gốc con heo. Làm như vậy, chẳng khác nào “thầy bói xem voi!”.
Mặc dù đang có quá nhiều đơn vị quản lý, nhưng người dân thành phố vẫn chưa thể an tâm sử dụng miếng thịt, con cá, mớ rau; vì chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hàng ngàn con heo vẫn đang được giết mổ từ các lò mổ thủ công, thịt để trên nền gạch dơ bẩn. Ra đến thị trường, đa số tiểu thương vẫn chặt thịt bằng tay, thịt không được bảo quản ở nhiệt độ mát mà để phơi nắng, phơi mưa, nguy cơ nhiễm vi sinh, khuẩn E-coli khá cao. Đề án truy xuất nguồn gốc của Sở Công thương chủ trì thực hiện hơn hai tuần, nhưng số lượng heo được vẫn chỉ dưới 50%. Điều đáng nói là đề án này chỉ dừng lại ở việc “gắn cái vòng” vào chân con heo để biết chúng được nuôi từ trang trại nào, chứ không chắc chắn miếng thịt đó có đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Nói chung là một việc làm nặng tính hình thức hơn là hiệu quả, nhưng không hiểu sao thành phố vẫn cấp ngân sách.
Nhiều ý kiến cho ràng, nếu thành phố đã lập ra ban Quản lý an toàn thực phẩm, thì nên để ban này làm đầu mối quản lý nguồn thực phẩm, chứ không giao cho nhiều đơn vị nữa. Sở Công thương, nếu có, chỉ nên dừng ở nhiệm vụ “giúp sức” về quản lý nhãn mác, thương hiệu, còn sở Nông nghiệp giúp quản lý quy trình chăn nuôi. Dựa trên đánh giá của hai cơ quan này, nếu nguồn thực phẩm nào đạt tiêu chí truy xuất, an toàn; thì ban Quản lý an toàn thực phẩm cấp phép, cấp giấy chứng nhận cho tiêu thụ. Ban này cũng xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế hoạt động, giám sát và xử phạt, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.
Một bài học từ nước ngoài, nếu muốn quản lý thuận lợi thì quy định kinh doanh thực phẩm chỉ nên tạo cơ chế cho một vài đầu mối là các doanh nghiệp lớn. Chừng nào miếng thịt, mớ rau, con cá vẫn còn có hàng chục ngàn người kinh doanh; thì lúc đócòn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khó kiểm soát.
Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.