Cá không “bơi” được ra nước ngoài vì... vướng thủ tục

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 18/11/2017 06:34 AM (GMT+7)
Khi năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, đường ra thị trường thế giới của cá cảnh Việt Nam vẫn còn không ít chông gai. Một giải pháp tổng thể đặt ra đòi hỏi nỗ lực của nhiều cấp nhiều ngành nhằm đặt lại giá trị của cá cảnh ở đúng vị thế tương xứng.
Bình luận 0

Tại hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao Hiteck Agro 2017 vừa tổ chức ở TP.HCM, triển lãm cá cảnh lần thứ 2 tiếp tục là điểm tham quan hấp dẫn thu hút hàng trăm ngàn lượt khách, kể cả du khách nước ngoài.

Mệt mỏi vì... sự hứa hẹn

img

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lãng kiểm tra cá dĩa ở trại nuôi tại phường 10, quận 5, TP.HCM.  Ảnh: Nguyên Vỹ

Công thức giá trị 10 – 90
Theo TS Vũ Cẩm Lương, việc xúc tiến thương mại cũng phải tìm hiểu đầy đủ về thị trường cá cảnh. Trong công thức 10 - 90, con cá chỉ chiếm 10% giá trị, 90% còn lại thuộc về ý tưởng thiết kế, vật tư trang trí, thức ăn, dịch vụ, chăm sóc… Mỗi năm, TP.HCM xuất đi 10% lượng cá sản xuất nhưng bản thân con cá chỉ chiếm 10% trong giá trị thủy sinh vật cảnh. Trong 10% đó, giá xuất đi rất thấp mà giá thành phẩm của thế giới lại rất cao. Vì vậy phải sớm hình thành một siêu thị hoặc chợ đầu mối sinh vật cảnh để khép kín quy trình giá trị gia tăng, trong đó cá cảnh là một thành tố.

Ông Tống Hữu Châu - chủ trại cá cảnh Châu Tống (quận 12, TP.HCM) kể, một nhóm du khách Hàn Quốc rất mê cá 7 màu của ông nhưng không thể mua được vì nước họ yêu cầu về giấy phép kiểm dịch NAFI rất gắt gao. Đài Loan cũng có nhiều rào cản về kỹ thuật khiến việc xuất khẩu cá cảnh sang lãnh thổ này gặp nhiều khó khăn.

Với năng lực sản xuất 1.000 – 5.000 con tép các loại mỗi tháng, ông Phan Minh Khánh - Giám đốc Green Chapter nhận định, phong trào chơi tép cảnh trong nước đang khá mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

“Việc xuất khẩu bị hạn chế do vướng nhiều thủ tục nên chưa khai thác được các thị trường nước ngoài” - ông Khánh nói.

Quá thấm thía “nỗi khổ đề xuất”, ông Lê Hữu Thiện - thành viên Hiệp hội Cá cảnh thế giới OFI ngao ngán khi cứ hội thảo lại “hy vọng sau 5 năm nữa…”, vì năm nào cũng nói mà chính sách không cho xuất khẩu. Ông Thiện kể, 10 năm trước, cá cảnh đi châu Âu đều qua Singapore. 5 năm trở lại đây, thị trường nước này tụt giảm chỉ còn 30 – 40%.

Châu Âu là thị trường khó tính và nhiều rào cản kỹ thuật phức tạp. Đơn cử như bệnh KHV trên cá chép bị kiểm soát gắt gao. Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu cá chép phải có điều kiện. Doanh nghiệp cũng không thể biết được đến lúc nào mới xuất được cá chép đi châu Âu.

Nguồn giống cá trong nước cũng thiếu đa dạng và chỉ tập trung vào vài loại đã có thương hiệu. Trong khi còn rất nhiều dòng sản phẩm có thể sinh sản tốt nhưng việc nhập giống để cải thiện lại bị hạn chế. Cụ thể là danh mục nhập khẩu cá cảnh theo Quyết định số 57/2008 QĐ-BNN còn chậm bổ sung, cập nhật.

Yếu tố nhân tạo và bản địa

Ở góc độ nghiên cứu giống, ông Thiện cũng không quên nhấn mạnh đến trách nhiệm của các nhà khoa học. Nhiều nghệ nhân yêu cầu nhập giống về để cải thiện và đa dạng kiểu hình, màu sắc cá cảnh. “Nhưng bản thân chúng ta cần tự tạo ra giá trị chứ không phải chỉ hưởng thành quả của nước ngoài. Thực tế là cá cảnh vẫn chưa được quan tâm và ưu tiên cao trong lĩnh vực thủy sản, các nhà khoa học tham gia còn ít” - ông Thiện nhận định.

Bà Vũ Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học thủy sản - Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cho biết, chủng loại cá cảnh nước ngọt xuất khẩu trong nước có hơn 70 loài khác nhau (50 loài nuôi sinh sản nhân tạo và 20 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng).

“Con số này không tăng so với năm 2010. Nhu cầu phát triển các loài cá cảnh mới, lạ và có giá trị kinh tế là đòi hỏi rất cần thiết. Trong đó, chuyển gen tạo cá phát sáng huỳnh quang là một giải pháp mới đang được áp dụng trên thế giới hiện nay” - bà Hương nói.

Ở Việt Nam, năm 2015, Trung tâm Công nghệ sinh học cũng đã nghiệm thu thành công đề tài Ứng dụng di truyền phân tử tạo cá sóc chuyên gen phát sáng huỳnh quang, làm tiền đề phục vụ chương trình phát triển cá cảnh của thành phố.

Thế nhưng, xét về tính bền vững, PGS-TS Vũ Cẩm Lương (Trường ĐH Nông Lâm) đề nghị các giống cá nhân tạo này cần phải được kiểm soát kỹ vì trong nước vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào liên quan. Nếu đi quá đà, những can thiệp nhân tạo này có thể tạo hình ảnh không tốt về thương hiệu cá cảnh Việt Nam.

Cụ thể, trường hợp cá la hán là sản phẩm lai đến nay vẫn không mấy người biết công thức lai cũng như cá thể lai nào là loài bố mẹ. Cá la hán đã từng tạo cơn sốt ở thị trường châu Á nhưng lại bị các nước Âu, Mỹ tẩy chay do họ không chấp nhận việc lai tạo không rõ nguồn gốc.

Thị hiếu thế giới rất quan tâm yếu tố tự nhiên. “Cần cân bằng cả yếu tố xuất khẩu và nội địa. Giải pháp về quản lý nhà nước cũng phải tăng cường tính quy phạm vì nó đại diện cho tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, tính khoa học trong sản xuất của lĩnh vực mà ta tưởng chỉ là thú tiêu khiển” - TS Lương đề nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem