Cả làng bất ngờ khi ông nông dân Đồng Nai "vác" nửa tỷ đi mua máy bay không người lái
Cả làng bất ngờ khi ông nông dân Đồng Nai "vác" nửa tỷ đi mua máy bay không người lái đem vô vườn bưởi 10ha
Nha Mẫn
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 05:37 AM (GMT+7)
Lão nông Trần Văn Mười (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã ủ rác với IMO thành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho 10ha bưởi, cam. Sau đó ông mạnh dạn chi trên nửa tỷ đồng mua máy bay không người lái về để phun xịt thuốc hữu cơ cho bưởi.
Ngày 10/11, Sở NNPTNT Đồng Nai phối hợp với Sở TNMT và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo hiện nay rác phát sinh trong quá trình sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lên đến hơn 1.800 tấn/ngày. Trong đó rác phát sinh ở vùng nông thôn là hơn 800 tấn/ngày. Rác sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng các phương pháp như compost, đốt, chôn lấp. Một số khác được người dân tận dụng làm phân bón, thức ăn gia súc...
Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là một địa phương tiên phong đi đầu về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời đây cũng là địa phương ứng dụng thành công xử lý chất thải thực phẩm bằng IMO (sinh vật bản địa).
Cụ thể, từ năm 2020, huyện Vĩnh Cửu dùng chế phẩm IMO xử lý rác thành phân, thuốc bảo vệ thực vật tại các xã Tân Bình, Hiếu Liêm, Vĩnh Tân. Đây là một trong những xã có diện tích cây ăn trái có múi là bưởi và cam lớn.
Thông qua việc dùng IMO ủ phân, thuốc bảo vệ thực vật giúp địa phương có nhiều khu vườn sạch, sản phẩm nông nghiệp tạo ra cũng là sản phẩm sạch. Ngoài ra, việc ủ rác thải thành phân từ IMO cũng giúp giải một phần bài toán xử lý rác thải ở vùng nông thôn. Bởi thay vì rác vẫn là rác phải xử lý, thu gom thì hiện các nhà vườn tự nhặt gom lá, rau củ hư hỏng, trái bưởi, cam non... ủ thành phân, "trả" lại cho vườn.
Tại hội thảo, ông Võ Vũ Mạnh, nông dân chăn nuôi vịt tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho biết trước, đây chăn nuôi thải ra phân vịt rất hôi thối. Vài năm trở lại cán bộ xã và Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Cửu cho ông Mạnh tham gia hội thảo, học hỏi kinh nghiệm về việc tạo ra IMO, dùng IMO trong xử lý chất thải. Từ đó phân thải ra được xử lý dễ dàng hơn, tiết kiệm được chi phí.
"Tôi đã dùng chế phẩm sinh học IMO để xử lý phân vịt, tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng/ngày so với trước đây. Cách tạo ra men IMO khá đơn giản, chỉ từ men gốc được địa phương cấp, mật rỉ mía... Giờ chuồng trại thơm tho hơn và phân thải cũng được dùng trong nông nghiệp dễ dàng thuận lợi hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân Tiên, Phó Trưởng Phòng TNMT huyện Cẩm Mỹ cho biết trách nhiệm phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm chung của cộng đồng. Bởi chỉ cán bộ làm thì không được mà phải phát huy được từ trên xuống, từ dưới lên.
Mỗi người dân phải có ý thức phân loại rác tại nguồn. Cán bộ địa phương phải có trách nhiệm giám sát việc phân loại rác tại nguồn. Cần xử phạt hành chính đối với hành vi phân loại rác tại nguồn. Có phương án xử lý thì việc răn đe, tăng ý thức của người dân.
Tương tự, ông Phạm Lê Nhân, Bí thư xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết, việc tuyên truyền cho người dân về phân loại rác thải tại đã được địa phương triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay ý thức của nhiều người dân chưa đạt với nhu cầu thực tế. Vì vậy để thực hiện tốt việc tuyên truyền cần có thêm các giải pháp triệt để, cần thiết nên xử phạt hành chính.
Tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở TNMT nói rằng thời gian tới toàn tỉnh Đồng Nai cần nâng cao hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn. Từ ấp đến xã cần có phương án cụ thể, tuyên truyền vận động người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc xử lý rác thải, nhất là ủ rác và IMO để sử dụng trong nông nghiệp.
Nông dân chi lớn mua máy bay không người lái
Cũng trong sáng cùng ngày, đoàn công tác cũng đã ghé thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Trần Văn Mười, tổ 4, ấp Cây Xoài, xã Tân An. Vườn của ông Mười chuyên trồng bưởi và cam với diện tích lên đến khoảng 10ha.
Ông Mười cho biết, năm 1983 ông rời quê tại làng bưởi Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu về ấp cây Xoài sinh sống. Thời gian đầu ông Mười và gia đình làm ruộng lúa, rau... nhưng không hiệu quả nên chuyển hướng sang nuôi cá.
Nhiều năm liền giá cá xuống thấp, nhân công, sức lực bỏ ra cao nên ông Mười cũng bỏ cá chuyển sang trồng cây ăn trái có múi.
"Trước đây vẫn dùng phân, đạm, thuốc bảo vệ thực vật hoá học nhưng 2 năm nay được hướng dẫn nên gia đình tôi chuyển sang ủ phân từ rác và IMO. Nhờ vậy vừa xử lý được rác thải nông nghiệp vừa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận", ông Mười nói.
Ngoài ra để giảm thiểu việc thuê nhân lực phun xịt thuốc cho bưởi và cam, ông Mười mạnh dạn đầu tư máy bay không người lái giá trên nửa tỷ. "Trước đây muốn xịt thuốc cho bưởi cam phải thuê 3 người, thời gian phun xịt kéo dài 10 ngày. Nhưng hiện nay có máy chỉ bay hơn 1 ngày đã xịt xong thuốc. Giảm được rất nhiều nhưng hiệu quả cao", ông Mười cho hay.
Cũng theo ông Mười, từ khi chuyển hướng sang làm nông nghiệp hữu cơ, gia đình ông có lợi nhuận cao hơn, sản phẩm làm ra sạch, được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.