Cả nhà mắc bệnh lao vì cô giúp việc

Thứ ba, ngày 15/03/2011 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ có bố mẹ mà con trai nhỏ 4 tuổi nhà anh cũng được phát hiện đã bị lây bệnh. Lúc đó, gia đình anh Kiên mới giật mình, trước khi thuê người đã không đưa đi kiểm tra sức khỏe!
Bình luận 0

Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc đang chiếm từ 8-11% bệnh nhân lao. Trong đó, khoảng 77% bệnh nhân chữa được khỏi, hơn 20% còn lại, nhiều người là nguồn lây lan ra cộng đồng. Điều này đang làm đau đầu các bác sĩ.

Ông Đoàn Văn Hiển - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, hiện có những người bị lao kháng thuốc vẫn đứng làm chủ cửa hàng ăn. Khi họ ho không thể kiểm soát được vi khuẩn lao đã "bay" vào thức ăn và người đứng ngay gần như thế nào. Nguồn truyền cho cộng đồng ở bệnh nhân lao đa kháng thuốc rất cao.

Nguồn lây từ giúp việc, chủ hàng mắc bệnh

img

Điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Ông Đoàn Văn Hiển khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân lao che giấu tình trạng hoặc bất cẩn do bị cộng đồng kỳ thị. Điều này dẫn đến họ không chủ động đến cơ sở y tế chữa trị nữa hoặc không được phát hiện sớm. Thông thường, trong gia đình phát hiện một người mắc lao, những người thân còn lại đi kiểm tra cũng phát hiện đã bị mắc bệnh.

Bệnh nhân ho, sốt trên 2 tuần, khạc đờm, sốt về chiều và đã điều trị kháng sinh không khỏi cần nghĩ đến khám bệnh lao.

Trường hợp gia đình anh Hoàng Trung Kiên ở Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ đáng tiếc. Khi bố mẹ anh Kiên sốt nhiều ngày không đỡ, ho dai dẳng… nhập viện phát hiện bị lao thì mới phát hiện nguồn lây là từ cô giúp việc. Không chỉ có bố mẹ mà con trai nhỏ 4 tuổi nhà anh cũng được phát hiện đã bị lây bệnh. Lúc đó, gia đình anh Kiên mới giật mình, trước khi thuê người đã không đưa đi kiểm tra sức khỏe!

Ngoài ra, còn một đối tượng rất khó kiểm soát, đó là những người bán hàng ăn mắc lao (AFB dương tính). Họ chưa được tiêu chuẩn hóa sức khỏe. Hiện chưa có một nghiên cứu nào tìm hiểu chủ các quán ăn, từ hàng rong trở đi… để sàng lọc phát hiện người bị bệnh lao. Theo đó, để xóa bỏ được nguồn lây trong cộng đồng, ông Hiển cho rằng, cần phải có chương trình yêu cầu đội ngũ chủ cửa hàng ăn, hàng rong đi chụp chiếu để sàng lọc, quản lý nguồn lây.

Cần phát hiện sớm

Nếu trong gia đình có bệnh nhân lao, tốt nhất là không đứng trực diện trong lúc bệnh nhân ho. Khuyên bệnh nhân khạc đờm vào đúng chỗ. Tránh tiếp xúc với đờm của bệnh nhân bởi vi khuẩn lao không tuôn ra môi trường theo đường thở.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Chi Lăng, hiện trung bình cứ 100 ca AFB dương tính thì có 2,7% bệnh nhân lao đa kháng thuốc, chưa kể số cũ đang điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc chữa khỏi bệnh chiếm 77%. Nhưng số 23% còn lại nhiều người bất cẩn, là nguồn lây lớn trong cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân bất lợi với bệnh nhân đa kháng thuốc là việc điều trị kéo dài và ngoại trú. Với bệnh nhân lao thông thường việc điều trị kéo dài 8 tháng, cho dù điều trị 1-2 tháng đầu đã khỏi về mặt lâm sàng nhưng bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc điều trị hết liều. Với những người bị kháng thuốc sẽ phải điều trị đến 18 tháng. Bệnh nhân nặng chủ yếu là nam giới bỏ bê chữa trị, sa đà rượu chè, bất chấp lời khuyên của gia đình.

Ông Nguyễn Chi Lăng khuyến cáo, để tránh bị lao đa kháng thuốc cần được chẩn đoán, phát hiện lao sớm. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, dễ chữa nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị. Đa số bệnh nhân sẽ được điều trị ở quận, huyện, xã theo Chương trình Phòng chống Lao quốc gia. Riêng điều trị lao đa kháng thuốc, năm 2011 dự kiến có 10 điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem