Cà phê bén đất cát xứ Thanh

Chủ nhật, ngày 26/06/2011 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 8 năm "Nam tiến" học kỹ thuật trồng cà phê, sau 5 năm đưa cà phê từ Tây Nguyên về đất Bắc trồng, anh Nguyễn Xuân Bình, thôn Đồng Thanh, xã Thiệu Tâm, Thiệu Hoá, Thanh Hóa đã thành công.
Bình luận 0

Đưa chúng tôi ra thăm vườn cà phê xanh tốt đang ra hoa báo hiệu một vụ bội thu, anh Bình chia sẻ: "Để có ngày hôm nay, mình đã tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và cả danh dự nữa".

Gian nan khởi sự

img

Anh Nguyễn Xuân Bình bên vườn cà phê đang đơm hoa.

Trước khi đến với cây cà phê, anh Bình là một trong những chủ trang trại cá giống và cá thịt lớn ở Thiệu Hoá. Mỗi năm, anh bán ra thị trường hàng triệu con cá giống và 5 - 6 tạ cá thịt, thu cả trăm triệu đồng. Công việc nuôi cá đang "ăn nên làm ra", nhưng phần vì đam mê cà phê, phần thấy cây này có giá trị kinh tế rất cao, anh luôn đặt câu hỏi: "Tại sao mình không thử đưa cà phê về Bắc trồng".

Nghĩ vậy, nhưng thực hiện được là rất khó. Từ năm 1998, năm nào anh cũng dành vài tuần vào Buôn Ma Thuột học kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, rồi tìm mua tại liệu, học qua báo, ti vi... Năm 2006, khi đã có "lưng vốn" kiến thức về cây cà phê, anh quyết định đưa cà phê về trồng trên dải đất cát ven sông Chu thuộc xã Thiệu Tâm.

“Khi lên xã xin thầu đất để trồng cà phê, lãnh đạo xã phản đối kịch liệt và cho rằng đầu óc tôi có… vấn đề. Họ bảo đường quang không muốn, lại quàng vào bụi rậm, rồi lôi ra các dẫn chứng về thất bại của cây cà phê ở Như Xuân, Triệu Sơn… trước kia. Còn dân làng bảo tôi là "dở hơi". Thấy tôi quyết tâm, xã "nhượng" cho tôi thuê 1ha đất" - anh Bình nhớ lại.

Thành công

img Nếu được huyện cho thuê đất để mở rộng diện tích trồng cà phê, tôi sẽ mở công ty để chế biến cà phê, tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. img

 

Đầu năm 2006, anh đầu tư 10 triệu đồng mua trên 1.000 cây cà phê giống về trồng. Do nắm vững kỹ thuật nên anh rất thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Hơn nữa, mặc dù trồng trên đất pha cát, nhưng đất màu mỡ và gần nguồn nước tưới, nên cà phê phát triển rất nhanh. Cây chưa đầy 3 năm tuổi so với cà phê 3 năm tuổi ở Tây Nguyên, vườn nhà anh cây vẫn nhỉnh hơn!

Trận nắng lịch sử năm 2009, anh được một phen hú vía và là cớ để nhiều người mỉa mai. "Nhiều người khuyên tôi nên chặt cà phê về làm củi đun, chứ để cây chết héo phí lắm! Nghĩ cũng tức! Nhưng cứu cà phê là quan trọng nhất. Hàng ngày tôi huy động hai máy bơm hút nước dưới sông Chu lên tưới liên tục, nên cả vườn chỉ có vài cây bị táp nắng"- anh Bình kể.

Sau trận nắng lịch sử ấy, cà phê như "nắng hạn gặp mưa rào", tốt tươi đơm hoa kết trái. Năm 2009, anh thu hoạch lứa đầu tiên được 1,5 tấn cà phê khô, bán được 50 triệu đồng. Năm 2010, anh thu hơn 2 tấn hạt khô, bán được gần 80 triệu đồng. Nhiều người đã "phục" việc làm táo bạo của anh. Anh gửi ảnh chụp những cây cà phê sai trĩu quả lên xã, nhiều người cho rằng anh "lừa" chụp cà phê ở Tây Nguyên. Khi anh mời cán bộ xã xuống tận vườn họ mới tin.

Hỏi về động lực giúp anh thành công, anh Bình bảo: "Trước hết phải có niềm tin và tôi may mắn được gia đình ủng hộ". Anh tiết lộ, sắp tới sẽ trồng thêm 5ha, phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích cà phê lên 15ha.

Thành công mô hình trồng cà phê trên đất pha cát của anh Nguyễn Xuân Bình đang mở ra tương lai cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho huyện Thiệu Hoá...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem