Ăn ngon ngủ yên từ khi trồng cà phê
Tỉnh Sơn La có gần 18.000ha cà phê, được trồng trên các sườn dốc, chỏm đồi ở độ cao 600-1.200m so với mặt nước biển. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn nông dân, trồng tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và TP.Sơn La, với sản lượng cà phê mỗi năm ước đạt hơn 60.000 tấn. Giá cà phê thời điểm hiện tại dao động từ 7.000-7.500 đồng/kg quả tươi, ổn định so với năm ngoái.
Những ngày này, trên khắp các sườn đồi hay nương vườn ở Sơn La, đâu đâu cũng tấp nập nông dân thu hái cà phê. Ảnh: Q.Đ
"10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đã đạt 115 triệu USD, trong đó các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, tinh bột sắn, chè đường đã được xuất khẩu tới 12 thị trường trên thế giới. “Giải pháp cơ bản của Sơn La là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu”.
Ông Cầm Ngọc Minh -
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
|
Vẫn luôn tay thu hái cà phê, nông dân Quàng Văn Chiến ở bản Hùn (xã Chiềng Cọ, TP.Sơn La) chia sẻ với chúng tôi: So với mọi năm, cà phê năm nay được giá nhưng quả không sai lắm. Nếu như các năm trước, mỗi ha cà phê cho năng suất trung bình từ 15 - 20 tấn quả tươi, thì năm nay chỉ được khoảng 10 tấn đổ lại. Tuy nhiên, do giá bán ổn định, trên 7.000 đồng/kg nên so với cây ngô, cây sắn, trồng cà phê vẫn lãi gấp nhiều lần.
“Bao nhiêu cà phê thu hái từ trên nương về đều được thương lái thu mua hết, nhiều hộ gia đình còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm, nên bà con trồng cà phê bây giờ rất yên tâm, không còn lo đầu ra như trước” – ông Chiến nói.
Mấy năm nay, nhận thấy giá cà phê ổn định nên nhiều hộ nông dân Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch là nhiều lao động nông nhàn ở một số địa phương lại đổ về đây hái thuê cà phê cho các chủ vườn.
Anh Cà Văn Thành - nông dân trồng cà phê ở TP.Sơn La cho biết: “Gia đình có 2ha cà phê, vì thế mùa thu hoạch năm nào cũng phải thuê 4-5 công nhân thu hái. Giá thuê thu hái hiện khoảng 150.000 đồng/người/ngày, còn nếu hái khoán thì 1.500-2.000 đồng/kg. Có ngày mỗi nhân công thu hái được vài tạ cà phê, thu nhập lên tới vài trăm ngàn đồng” - anh Thành cho hay.
Quyết tâm ghi dấu ấn trên bản đồ cà phê thế giới
Ngày 8.11 vừa qua Công ty CP Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La tại Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Nhà máy này có quy mô 45ha, giai đoạn 1 đã hoàn thành sau 8 tháng thi công với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm. 100% công nhân, lao động trong nhà máy là người địa phương.
Nhiều nông dân thu hái cà phê về tách vỏ phơi khô rồi mới bán. Dù vất vả hơn nhưng được thêm vài giá khi bán cho các thương lái. Ảnh: Q.Đ
Đây là lần đầu tiên một nhà máy chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn toàn cầu BRC và trang trại theo tiêu chuẩn UTZ được xây dựng và triển khai tại Sơn La, dù đây là một trong 3 vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất ở nước ta. Nhà máy Phúc Sinh có công nghệ chế biến cà phê ướt hiện đại theo công nghệ của Colombia, sẽ sản xuất và chế biến các loại cà phê để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.
Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, mặc dù nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La hiện mới chế biến được khoảng 15% sản lượng cà phê của tỉnh, nhưng việc đưa nhà máy này vào hoạt động sẽ giúp đưa sản phẩm cà phê của Sơn La đến nhiều thị trường thế giới hơn qua hệ thống phân phối cũng như đối tác của Công ty Phúc Sinh. Đây cũng là động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông nghiệp tại Sơn La.
Với sức sống mãnh liệt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa như ở Tây Nguyên, cây cà phê Arabica ở Sơn La cho quả có mùi thơm hương hoa, ít vị đắng, được nhiều khách hàng xếp vào hạng cà phê đặc biệt - Specialty Coffee, sánh ngang với những cái tên danh tiếng trên bản đồ cà phê thế giới.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, cùng với việc xây dựng nhà máy chế biến, Phúc Sinh sẽ phối hợp chính quyền địa phương nâng tầm giá trị của cà phê Sơn La bằng việc xây dựng thương hiệu Blue Sơn La.
“Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo và chính quyền tỉnh, tôi đã tiến hành xây dựng nhà máy với thời gian rất nhanh, chỉ 8 tháng. Ngày 28.9 khai trương nhà máy và hôm nay bắt đầu chạy để mang sản phẩm cà phê Sơn La ra thế giới trong thời gian sớm nhất. Đây cũng là nhà máy quy mô bài bản nhất trong hệ thống Phúc Sinh” – ông Thông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.