Giá xuất khẩu thấp, vẫn khó bán
Trò chuyện với chúng tôi bên khoảng sân hẹp cạnh rẫy cà phê, ông Siu Tớih (Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết: “Giá cà phê thấp quá, chỉ còn một nửa so với 2 năm trước, tiền thu hoạch từ cà phê không đủ bù chi phí tưới nước, bón phân, nên tôi đã chia đều hết cà phê cho các con, chỉ để lại 150 gốc. Nếu giá vẫn tiếp tục giảm, tôi sẽ chặt bỏ để trồng cây khác”.
Cũng theo ông Siu Tớih, cả 5 người con của ông và nhiều người dân tại đây đang muốn chuyển từ trồng cà phê sang loại cây khác, nhưng lại kẹt vốn, thiếu thông tin, nên đang loay hoay chưa biết trồng cây gì, những người nông dân này đang dự tính trồng cả dứa, chanh leo, bí đỏ…, nhưng lại e ngại không tìm được đầu ra cho các loại cây này.
Nông dân huyện Đăk Đoa (Gia Lai) sơ chế cà phê. (ảnh: P.V)
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhà máy thu mua và chế biến rau quả, họ ký hợp đồng và thu mua nguyên liệu từ nông dân nên nhiều nông dân đang có ý định chặt bỏ cà phê trồng chanh leo.
Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu sụt giảm, giá cà phê xuống thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng. Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126.000 tấn, trị giá 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn, kim ngạch 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,9% và 8,7%.
Điều đáng lo ngại là giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2019 đạt 1.724 USD/tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Thái Lan trong 11 tháng năm 2019, đạt 38.752 tấn, trị giá 2,069 tỷ baht (tương đương 69,36 triệu USD), giảm 35% về lượng và giảm 41,5% về trị giá so với 11 tháng năm 2018. Thái Lan đang có sự dịch chuyển nhập khẩu cà phê từ các thị trường như Indonesia, Malaysia, Mỹ, Brazil,… khiến thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan giảm mạnh từ 92,8% trong 11 tháng năm 2018, xuống còn 81,8% trong 11 tháng năm 2019.
Trong khi giá cà phê của Việt Nam thấp hơn các nước khác tới vài lần (giá nhập khẩu bình quân cà phê của Thái Lan từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 đạt 1.790 USD/tấn, Indonesia đạt 1.991 USD/tấn, Malaysia đạt 7.252 USD/tấn) nhưng Thái Lan vẫn đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường khác, giảm nhập từ Việt Nam, điều này cho thấy, giá cả không phải là yếu tố chính khiến Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ Indonesia, Malaysia.
Khó cải thiện trong thời gian ngắn
Những ngày đầu tháng 1/2020, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm so với tháng 12/2019. Cụ thể, ngày 8/1/2020, giá cà phê Robusta trong nước ở mức thấp nhất là 31.700 đồng/kg ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng); mức cao nhất là 32.500 đồng/kg tại huyện Cư M’gar (Đăk Lăk). Tại các kho quanh khu vực TP.Hồ Chí Minh, cà phê robusta loại R1 giảm 1,2% so với ngày 31/12/2019 và giảm 2,9% so với ngày 8/12/2019, xuống còn 33.700 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện các sản phẩm cà phê của ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ). |
Từ thực tế dung lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Thái Lan cho thấy, chất lượng đang là yếu tố sống còn của ngành cà phê Việt. Cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.
Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,... dẫn đến chất lượng thấp.
Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn...
Dự báo, trong ngắn hạn, giá cà phê robusta khó có có khả năng tăng do phần lớn người trồng cà phê Việt Nam sẽ hoàn tất thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Nhu cầu tiền mặt tăng cao trong dịp này góp phần gia tăng áp lực bán hàng ở vùng giá thấp hiện hành. Bên cạnh đó, sản lượng robusta toàn cầu tăng cao so với vụ trước gây áp lực lên giá Robusta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.