Cá rô đầu vuông xuất ngoại

Thứ hai, ngày 27/09/2010 08:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần một tháng nay, thương lái trong vùng ĐBSCL ráo riết đi thu mua cá rô đầu vuông thương phẩm để xuất khẩu sang Campuchia, Singapore... bằng đường tiểu ngạch với số lượng từ 30- 40 tấn mỗi ngày.
Bình luận 0
img
Một hộ dân ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang thu hoạch cá rô đầu vuông.

Nhộn nhịp chợ cá rô

Theo ghi nhận của NTNN, cá rô đầu vuông được thương lái thu mua và vận chuyển đến điểm tập kết ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Tại đây cá được tuyển chọn và chuyển lên xe tải để tiêu thụ và xuất sang Campuchia và một số nước khác.

Không khí mua bán ở khu vực này diễn ra sôi động... thương lái Nguyễn Văn Thái cho hay: "Mỗi ngày tui thu mua khoảng hơn chục tấn CRĐV cung cấp cho các thương lái buôn đường xa. Loại phổ biến nhất là cá khoảng 10 con/kg được thương lái chở qua tận Campuchia bán giá cao, có lãi nên họ luôn đặt hàng trước...".

Ông Trương Phú Quốc ở ấp 3 xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho biết: "Cá rô đầu vuông có ưu điểm là lớn nhanh. Trong 4 tháng đầu có thể đạt trọng lượng 6 con/kg và nếu nuôi đến 7 tháng, trọng lượng cá có thể đạt từ 500 - 800 gram/con". Trung bình sau 3,5 tháng nuôi, 1ha mặt nước nuôi CRĐV có thể cho thu hoạch từ 70 - 100 tấn cá thương phẩm, cao hơn khoảng 20 - 30 tấn so với giống cá rô đồng. Lợi nhuận từ nuôi cá rô đầu vuông khoảng 700 triệu đồng/ha.

Theo lời ông Thái, hàng chục năm qua ông thu mua rất nhiều loại cá đồng của nông dân nhưng chưa có mặt hàng nào được ưa chuộng như CRĐV hiện nay. Bởi thế, nên phong trào nuôi CRĐV ở những địa phương này phát triển mạnh, số lượng người nuôi ngày càng nhiều.

Nhiều thương lái cũng cho biết mỗi ngày lượng CRĐV được chở bằng xe tải qua các cửa khẩu ở tỉnh An Giang để xuất sang Campuchia trên hàng chục tấn. Nhu cầu của thị trường này còn rất lớn nên tương lai sẽ rất dễ làm ăn...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xuất khẩu CRĐV chỉ mới manh nha nên chưa biết được số lượng cụ thể cũng như không có sự quản lý nào của các cơ quan chuyên môn. Những cuộc giao dịch của thương lái thường là kết hợp với thương lái bên kia biên giới, cung ứng hàng ngay tại cửa khẩu.

Bỏ ruộng lúa, đào ao

Ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: "Phong trào nuôi CRĐV trong tỉnh mới xuất hiện khoảng 2 năm nay, hiệu quả rất cao và ngành nông nghiệp đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu giống cá này. CRĐV được xuất khẩu đã mở ra hướng mới cho nghề nuôi giống cá này trong tương lai...".

Ghi nhận thực tế, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi CRĐV ở tỉnh Hậu Giang tăng rất nhanh. Nhiều hộ dân đã phá bỏ ruộng lúa để nuôi loại cá này. Thông tin thương lái đã xuất khẩu CRĐV bằng đường tiểu ngạch càng làm cho nhiều hộ dân đổ xô nuôi CRĐV.

Ông Phan Văn Thiên ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy vừa phá bỏ 4 công ruộng lúa mới ngậm sữa để đào ao nuôi cá rô. Nhiều hộ khác ở xung quanh cũng phá bỏ ruộng lúa, thuê xáng cạp đến đào ao. Ông Nguyễn Hùng Anh (ấp 5 xã Vĩnh Thuận Tây) hồ hởi: "Bây giờ cả vùng này nhà nhà nuôi CRĐV. Có hộ sửa căn nhà cho nhỏ lại để chừa diện tích đào ao nuôi cá".

Theo khảo sát của chúng tôi, lúc đầu diện tích nuôi CRĐV ở tỉnh Hậu Giang chỉ vài chục ha nhưng đến nay đã tăng lên 200 ha và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ông Huỳnh Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây cho biết: "Lợi nhuận từ con CRĐV rất hấp dẫn nên nông dân trong vùng đã đổ xô nuôi. UBND xã đang tiến hành thống kê lại số lượng để báo cáo về huyện có hướng chỉ đạo hợp lý, đồng thời quy lại vùng nuôi để phát triển bền vững nghề này".

"Sốt" cá giống

Do nhiều nông dân đổ xô nuôi CRĐV nên mấy ngày qua cá giống bắt đầu "sốt". Nông dân Trương Phú Quốc ở ấp 3 xã Vĩnh Thuận Tây khoe: "Mấy tháng qua tui bán được 2.000 con cá bố mẹ trọng lượng từ 200 - 320gram. Lúc đầu mỗi con chỉ 60.000 đồng rồi tăng từ từ lên 150.000. Bây giờ cá bố mẹ đã lên trứng lên tới 500.000 đồng/con vẫn "sốt" hàng. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ bỏ nuôi cá tra chuyển qua nuôi CRĐV. Ngoài ra, một lượng lớn nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đến đây mua giống nên giống và giá ngày càng "sốt" thêm!

Chính vì sự "sốt" giống này mà nhiều cơ sở ươm cá giống đã ồ ạt xuất hiện khiến việc quản lý nguồn con giống rất khó khăn. Ông Nguyễn Minh Đức - quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hậu Giang cho biết: "Việc ươm giống tràn lan không biết lưu giống rất dễ xảy ra tình trạng cận huyết, phân đàn làm giảm chất lượng con giống dẫn đến thoái hóa giống…"

Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang theo dõi, xác định rõ nguồn gốc, phân tích ADN để tiến tới xây dựng thương hiệu "Cá rô đầu vuông Hậu Giang". Triển vọng của giống cá này là rất lớn. Những ưu điểm vượt trội về thời gian nuôi, tốc độ lớn nhanh, trọng lượng lớn sẽ là lợi thế để nông dân làm giàu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem