Ca sĩ Ngọc Anh: Cho phép hát nhép là một bước thụt lùi trong âm nhạc

Thanh Hà Thứ ba, ngày 22/12/2020 09:51 AM (GMT+7)
Việc cho phép hát nhép cho thấy người soạn thảo gần như không hiểu bản chất của người làm nghệ thuật. Chính vì vậy mà đang "giết chết" sự phát triển, sự sáng tạo của người làm nghệ thuật,... ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ!
Bình luận 0

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành ngày 14/12 thay thế cho nghị định 79. Trong đó, tại Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) đã khiến ca sĩ Ngọc Anh bày tỏ buồn và thất vọng.

Ca sĩ Ngọc Anh: Nghị định 144 cho phép hát nhép là một bước thụt lùi trong âm nhạc  - Ảnh 1.

Ca sĩ Ngọc Anh cảm thấy buồn và tiếc khi Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái)

Chia sẻ với Dân Việt Ngọc Anh cho hay: "Tôi nghĩ tại Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) là một sai lầm. Điều này dẫn tới không tạo cảm xúc đối với người làm nghệ thuật là nhạc sĩ, ca sĩ và ngay cả với khán giả. 

Khán giả bỏ tiền mua vé nhưng đổi lại họ nhận lại là một thứ âm nhạc giả tạo, hời hợt mà không có cảm xúc, phiêu bồng của người nghệ sĩ trên sân khấu. Người nghệ sĩ sẽ không được thể hiện cảm xúc thật. Người nghệ sĩ lên sân khấu hát nhép chẳng khác nào như một con robot lên sân khấu, chỉ hát đi hát lại một bài hát duy nhất mà mình đã ghi âm trước đó. Tôi nghĩ đây là Nghị định đánh dấu sự thụt lùi về văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.

Việc cho phép hát nhép sẽ là một thiệt thòi cho những nghệ sĩ muốn hát live, muốn tận hiến cho âm nhạc. Với những nghệ sĩ gạo cội hay nghệ sĩ trẻ mới bước vào nghề mà có năng lực, giọng hát, họ đều muốn được hát thật trên sân khấu, muốn được thăng hoa trên sân khấu, đó mới là cuộc sống của họ. Có thể hàng ngày, họ cũng có cuộc sống bình thường như mọi người, nhưng khi lên sân khấu họ được là chính họ, họ được sống với đam mê với nghề. Vậy tại sao lại giết chết khoảnh khắc đó?

Nghị định 144 đang phủ nhận vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội. Người nghệ sĩ không được thực hành trên sân khấu, không được khẳng định nghề nghiệp, tôn vinh nghề nghiệp của mình một cách đúng nghĩa.

Ca sĩ Ngọc Anh: Nghị định 144 cho phép hát nhép là một bước thụt lùi trong âm nhạc  - Ảnh 2.

Ngọc Anh hạnh phúc bên bạn trai, ca sĩ Tô Minh Đức

Tôi đi hát từ năm lên 8 cho đến hiện tại, tôi đã có mấy chục năm cống hiến cho nghệ thuật. Tôi cũng đã có những khoảng thời gian được sống, được thử nghiệm, khám phá bản thân, thể hiện đam mê, cá tính, sáng tạo của cá nhân trên sân khấu. Và giờ đây khi tuổi trẻ đã qua đi, cơ hội sáng tạo, thử nghiệm sẽ nhường lại cho các bạn trẻ. 

Các ca sĩ trẻ sẽ là thế hệ kế cận bước tiếp con đường nghệ thuật. Họ đang tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và sự đam mê. Những bạn trẻ có giọng hát, có tài năng đang muốn tận hiến cho âm nhạc sẽ ra sao khi bên cạnh sự miệt mài sáng tạo, lao động nghệ thuật của mình bị đánh đồng với việc lười lao động, lười sáng tạo.

Rất nhiều bạn trẻ cảm thấy bức xúc với việc cho phép hát nhép, bởi đây sẽ là một thiệt thòi cho những bạn trẻ có tài năng, có giọng hát hay nhưng hình thức chỉ ở mức vừa vừa. 

Dường như Nghị định 144 đang cổ xuý cho những bạn trẻ đẹp về hình thức, nhưng không có giọng, hát không hay chỉ biết múa vài ba vũ đạo và hát như một con rối trên sân khấu.

Tôi cảm thấy buồn bởi tôi không chỉ là ca sĩ, tôi còn đang là giáo viên, dạy các bạn học sinh. Tôi được biết rất nhiều bạn trẻ học thanh nhạc chỉ với mong muốn ra đời được cống hiến cho âm nhạc, được lên sân khấu hát trực tiếp để khán giả có thể cảm nhận giọng hát của mình. 

Trên thế giới tất cả các nghệ sĩ nổi tiếng đều được đánh giá ở tài năng hát live và xử trí trên sân khấu. Thế giới đã nâng tầm không còn đơn thuần là hát live, trong khi Việt Nam vẫn đang lững chững trong việc hát thật hay hát nhép. 

Thế giới đã vươn tới đỉnh cao bằng những màn trình diễn nghệ thuật cao cấp mà không chỉ đơn thuần là hát. Tức là người nghệ sĩ phải học hỏi nâng trình độ mình ở nhiều vai trò khác nhau khi đứng trên sân khấu. Người nghệ sĩ vừa là sáng tác, vừa phối khí, biên tập… trực tiếp tham gia sản xuất chứ không đơn thuần chỉ là ở vai trò hát. 

Vì vậy trình độ hiểu biết, sự bao quát của họ trên sân khấu là rất lớn. Tôi ví dụ ở những giải thưởng như Grammy, Giải thưởng Mama… những giải thưởng âm nhạc này một người nghệ sĩ có thể nhận cùng lúc với giải thưởng ở các hạng mục khác nhau như: ca sĩ, tác giả ca khúc, sản xuất, phối khí…

Điều tôi cảm thấy tiếc, nếu ở vai trò quản lý có người làm chuyên môn, nghệ thuật giỏi tôi tin họ có thể đưa ra đường hướng, soạn thảo Nghị định để góp phần thúc đẩy, phát triển con đường nghệ thuật. 

Quay trở lại với Nghị định 144, việc cho phép hát nhép cho ta thấy một điều, người soạn thảo gần như không hiểu bản chất của người làm nghệ thuật. Chính vì vậy mà đang "giết chết" sự phát triển, sự sáng tạo của người làm nghệ thuật. Ở đây tài năng không được đặt lên cao thì nghệ thuật càng ngày càng thụt lùi và vai trò của người nghệ sĩ sẽ ngày một mất đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem