|
Một tiết mục của đội tuyên truyền. Ảnh: Lê Văn Chương |
Không có gì không thể
Năng khiếu cộng với khổ luyện sẽ thành tài. Nhất là với người lính thì không có gì là không thể. Chính vì vậy, Trung úy Đoàn Minh Thuận, một cán bộ quân khí suốt ngày bù đầu với súng ống, kho đạn được rút ngay về làm trưởng đoàn tuyên truyền văn hoá của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi.
Những đợt tuyển quân tiếp theo đã sung thêm vào đội các quân nhân nữ. Đội hình biên chế chính thức của đội chỉ có 6 người, khi tổ chức lưu diễn thì rút các hạt nhân văn nghệ từ các đơn vị cơ sở về tập luyện.
Suốt 13 năm sau ngày thành lập, đội tuyên truyền văn hoá BĐBP đã tổ chức hàng trăm buổi lưu diễn phục vụ đồng bào và nhân dân nơi biên giới biển, đảo, vùng sâu, vùng xa.
Và từ đây, nhiều người dân Quảng Ngãi bắt đầu được chứng kiến các nam, nữ ca sĩ, vai mang quân hàm xanh, nhưng luôn đi vào lòng người qua những ca khúc thấm đẫm cái đẹp, cái lãng mạn của người lính biên phòng giữa thời bình, ngày và đêm nắm chắc tay súng trên tuyến biên cương.
Trên những chặng đường đầu tiên, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, phương tiện phục vụ thiếu thốn. nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để đến phục vụ bà con các xã vùng sâu, vùng xa tận đèo Viôlắc, Trà Phong (Tây Trà), đảo Bé (Lý Sơn)...
"Ôi! Các con bộ đội về làng". Đồng bào ngẩn ngơ nhìn những người lính trẻ. Cán bộ, chiến sĩ trong đội đáp lại tình cảm của đồng bào bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa say sưa. Trong cái thâm u của núi rừng, tiếng suối chảy róc rách, lá rừng lay xào xạc, lời ca, tiếng hát của cán bộ, chiến sĩ như càng ngân vang. "Mong các con trở lại". Lời nói ấy đồng bào không thốt ra được, nhưng trong ánh mắt dường như đã nói lên tất cả.
Cán bộ, chiến sĩ trong đội kể lại: Ba Lế (Ba Tơ) là nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong họ. Đêm ấy, khi chương trình văn nghệ sắp bắt đầu thì trời đổ mưa như trút. Hơn 300 đồng bào vẫn bình thản đứng giữa cơn mưa và chờ đợi, không ai chịu về nhà. Cho đến khi cán bộ, chiến sĩ trong đội phải nhờ đến ông Bí thư Đảng ủy xã nói - "Khuya rồi, về nhà ngủ đi, sáng mai Bộ đội Biên phòng sẽ diễn lại cho bà con coi, có cả nhạc nữa", lúc đó họ mới chịu về.
Đến với vùng xa
Để các chương trình văn nghệ mang nhiều màu sắc, nội dung hay và ấn tượng, mỗi ca sĩ không chuyên trong đoàn đều cố gắng phát huy sở trường của bản thân. "Ông bầu" Đoàn Minh Thuận có tài sáng tác các ca khúc và làn điệu dân ca ba miền. Ai muốn hỏi về chuyện lính biên phòng, anh đều giới thiệu rất mộc mạc bằng làn điệu dân: "Lính biên phòng sá gì sương gió, khó khăn nào anh cũng vượt qua, dù nơi giông tố đảo xa, hay chốn biên thùy buốt da vì rét giá anh nào ngại gì".
Còn "chị cả" trong đội - Trung úy Phan Thị Thu Hằng có giọng ca ấm áp, phù hợp với các ca khúc trữ tình, sâu lắng. Kiều Oanh, được anh em trong đội ví như ca sĩ Siu Black, bởi thế mạnh ở giọng hát cao vút, lấy hơi dài, hát những bài có nhịp điệu mạnh. Còn Bùi Thị Tuyết Lan, có khả năng tốt trong các tiết mục hát, múa, dân ca, kịch…
Dù khác nhau trong khả năng biểu diễn, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn có sự phối hợp ăn ý. Trong các buổi biểu diễn, mỗi khi đồng ca, khán giả bao giờ cũng dành cho tràng vỗ tay kéo dài.
Ghi nhận sự đóng góp của đội, Bộ chỉ huy Biên phòng và các ban ngành, đoàn thể đã tặng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ nhiều phần thưởng. Trong các cuộc thi khu vực và toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng, đội tuyên truyền văn hóa đã gặt hái được nhiều kết quả. Và cũng từ đây, hình tượng người chiến sĩ biên phòng đã ăn sâu trong lòng mọi người qua lời ca, tiếng hát.
Còn mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội tuyên truyền văn hóa thì trở thành ngàn ánh sao xanh lấp lánh. Giống như lời ca mượt mà, sâu thẳm, mỗi khi các anh các chị cất lên đều thiêng liêng và lắng đọng trong lòng người: “Trước mặt anh là biển rộng, sau lưng anh là núi cao, trên đầu anh là trời sao, dưới chân anh là đất mẹ…".
Lê Văn Chương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.