Ca sĩ Trần Lập viết tự truyện: “Vẽ” lại con đường vươn tới ước mơ

Thứ tư, ngày 07/08/2013 08:32 AM (GMT+7)
"Cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường” cho người đọc thấy con đường để vươn tới được ước mơ ấy của tôi không hề dễ dàng, đôi khi tôi còn không biết mình có thành công hay không" - Trần Lập chia sẻ.
Bình luận 0
Cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường” của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập do Nhã Nam và NXB Thời Đại ấn hành đang gây chú ý trong dư luận. Nhạc sĩ Trần Lập đã chia sẻ với Dân Việt nhiều thông tin thú vị xung quanh cuốn tự truyện này.

Sau mấy ngày phát hành cuốn sách, anh thấy khán giả phản ứng với cuốn tự truyện của anh như thế nào?

- Tôi rất vui vì có rất nhiều người làm chuyên môn chia sẻ rằng, sau khi đọc cuốn tự truyện của tôi, họ đã có rất nhiều cảm xúc. Ví dụ nhà báo Kiều Trinh ở Báo Thanh Niên đã chia sẻ rất thành thực rằng, bạn ấy đã đọc cuốn sách cả đêm và khóc rất nhiều lần. Kiều Trinh không tưởng tượng được cuốn tự truyện lại tạo ra nhiều cảm xúc đến vậy, đặc biệt là đối với những người đọc và sàng lọc thông tin hàng ngày như bạn ấy. Hay cả nhà biên kịch, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng chia sẻ với tôi rằng, đó là một cuốn tự truyện tràn đầy cảm xúc, một cảm xúc rất tự nhiên mà ở đó người đọc có thể quên đi tất cả mọi thứ mang tính văn chương.
Ca sĩ Trần Lập và ban nhạc Bức Tường.
Ca sĩ Trần Lập và ban nhạc Bức Tường.

Anh có thể chia sẻ mong muốn của mình qua cuốn tự truyện này?

- Mỗi một lát cắt trong câu chuyện, mỗi một trải nghiệm ở trong đó, đều chất chứa rất nhiều những ngày tháng mà ban nhạc Bức Tường đã trải qua. Cuốn tự truyện không chỉ kể về thành công hay hình ảnh các sân khấu lớn của những năm tháng đứng trên đỉnh cao của vinh quang mà còn là những năm tháng ước mơ âm nhạc từ rất nhỏ của tôi. Những ngày tháng mà để vươn tới được ước mơ thường hay bị nói là viển vông, vì rất nhiều người quan niệm ca sĩ là “xướng ca vô loài”.

Cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường” cho người đọc thấy con đường để vươn tới được ước mơ ấy của tôi không hề dễ dàng, đôi khi tôi còn không biết mình có thành công hay không. Những năm 1990 đầy nhọc nhằn, khó khăn của thời cuộc, thậm chí là những sự ngộ nhận, thành kiến của xã hội, việc ra một album nhạc rock đã là cực kỳ khó khăn. Con đường nào để chúng tôi đi đến thành công, trong khi thời điểm đó tất cả các sinh viên đều nghèo...

Đặc biệt hơn, qua “Bên kia Bức Tường”, bạn đọc có thể cảm nhận được nỗi đau đáu của những người chơi nhạc, yêu nhạc rock, khi ở Việt Nam người ta thường coi nhạc rock là thứ nhạc gì đó, te tua và thứ cấp, không có giá trị, chỉ dành cho những thanh niên nổi loạn. Sự thật là nhạc rock đang phát triển khó khăn ở Việt Nam vì sự ngộ nhận còn quá nhiều. Đó là thông điệp chính mà cuốn tự truyện của tôi muốn gửi tới bạn đọc.

Cuốn sách giống như sự giao cảm của người đọc và người viết, bạn đọc sẽ đúc rút được nhiều điều. Người ta có thể nhìn ra được bức tranh hiện thực mà trong đó có cả hướng để người ta nghĩ rằng, nếu họ chọn hướng đó, biết đâu họ sẽ thành công. Ví dụ ở những câu chuyện của những người đã từng bỏ không chơi nhạc rock nữa, họ bỏ đi không phải họ mất khả năng chơi nhạc mà bởi vì khó khăn thời cuộc, không có tương lai nên họ không dám đầu tư lớn để hết mình với dòng nhạc này, trong khi nếu thật sự họ dám thì có thể họ sẽ thành công. Đôi khi sự thành công đó, cần phải có những khúc rẽ khác nhau, vì thế tôi nghĩ cần có sự chia sẻ của các thế hệ đi trước đối với các thế hệ đi sau.

Rất nhiều nghệ sĩ như Lê Vân, Ái Vân, Long Nhật... khi ra tự truyện đều có người chấp bút, còn anh thì không. Tại sao vậy?

- Trước khi ra cuốn tự truyện, tôi đã hỏi rất nhiều người trong lĩnh vực viết lách là có nên có người chấp bút không. Và câu trả lời đều là nếu có thì sẽ không nói lên được bản ngã của chính mình. Có thể với một người viết chuyên nghiệp sẽ viết hay hơn, trau chuốt hơn, nhưng điều đó sẽ không bao giờ ra được câu chuyện chân thật, ra chất của người muốn kể được.
Ở tự truyện này, anh có né điều gì để không bị “ném đá” hay sự phản ứng của các nghệ sĩ?
- Không, tôi không né điều gì, kể cả có những giai đoạn “tóe lửa” nhất. Bởi khi tôi viết tự truyện này chỉ là câu chuyện kể về xây dựng âm nhạc, sáng tác... không hề đụng chạm đến quyền lợi hay tiền bạc gì.

Mở đầu của tự truyện là hồi ức về một cậu bé lên 5 tuổi luôn bị bố mẹ nhốt ở trong nhà và Hà Nội với cậu bé lúc đó chỉ là sau cánh cửa, là căn nhà ọp ẹp với nhiều tiếng mọt nghiến gỗ. Và khi bị nhốt trong nhà như vậy, một đứa trẻ thấy có quá nhiều nỗi sợ hãi bủa vây, và nó không biết làm gì ngoài cách bật vặn loa thật to để nghe hát. Khi hết nhạc thì không có tiếng người, đứa trẻ đó bắt buộc phải hát toáng lên để át nỗi sợ hãi... Cứ như vậy, câu chuyện được mở ra, những lát cắt cuộc đời được bày ra trước mắt bạn đọc. Và từ những nỗi sợ hãi đó, đã hình thành nên con đường âm nhạc, mơ ước của một cậu bé Trần Lập.

Xin cảm ơn anh!

Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem