|
Những đứa trẻ ở xóm Thanh Châu chỉ biết quẩn quanh chơi trên những con đò. |
Thôn Thanh Châu xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình có 119 hộ dân với gần 700 nhân khẩu mà chỉ có vỏn vẹn 1ha đất ở. Không còn cách nào khác, người dân Thanh Châu phải chấp nhận một nửa sống trên bờ, nửa còn lại lấy mép sông Gianh làm chốn “ở đậu” với bao cơ cực, hiểm nguy...
Chật vật mưu sinh
Mới tờ mờ sáng, Trưởng thôn Thanh Châu - Nguyễn Văn Thông đã vội vã chèo đò chở tôi đi thăm xóm vạn đò nơi có gần 50 hộ dân với 300 nhân khẩu đang sống “bồng bềnh” trên mặt nước sông Gianh.
Ông Thông bảo tôi, nếu không ra xóm vạn đò vào buổi sáng sớm thì nhà báo không thể gặp được mọi người. Hàng ngày người dân Thanh Châu phải dậy từ rất sớm, họ toả đi khắp nơi, tìm đủ mọi nghề để kiếm sống. “Nghề tổ” của họ là đánh cá trên sông Gianh. Nhưng hiện nay, rất ít người mặn mà với nghề này, bởi lẽ cá tôm ngày càng khan hiếm, thu nhập chẳng thể nuôi sống gia đình.
Theo ông Thông, dù làm nghề gì thì đối với người dân vạn đò, con đò đều có tác dụng kép: Vừa để ở, vừa làm phương tiện để mưu sinh. Thế nên, con đò thường được thiết kế thành 2 phần: Phần trước là một cái khoang để trống dùng để chuyên chở, phần sau dựng một cái mui chừng 3 – 5m2 làm nơi cư ngụ của dăm bảy con người…
Chúng tôi cập chiếc đò của gia đình anh Nguyễn Văn Khôi. Hai vợ chồng còn rất trẻ, mới có 1 mặt con nên việc sở hữu riêng một con đò, gia đình anh Khôi được xếp vào diện “khá giả” ở xóm. Thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, anh Khôi vẫn không thể giấu được nỗi buồn: “Đời ông nội ở đò, đời cha cũng ở đò, đến đời em cũng phải ở đò. Thấu hiểu cảnh cực, khi cưới vợ, em định bụng phải vay tiền mua một miếng đất để lên bờ. Chạy vạy khắp nơi mà chỉ vay được 20 triệu đồng, vẫn không đủ tiền để mua đất, em đành mua chiếc đò này”.
Theo anh Khôi, ở riêng đỡ ngột ngạt hơn nhưng bây giờ vợ chồng anh phải mang một khoản nợ lớn, không biết khi nào mới trả hết. “Trước đây em làm nghề đánh bắt cá trên sông Gianh. Gần đây, cá tôm cạn kiệt, em chuyển qua làm nghề vận chuyển. Từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Gianh, ai thuê chi em cũng chở, chỗ mô cũng đi hết, miễn là kiếm được ít tiền trả nợ, trang trải cuộc sống…” – anh Khôi tâm sự.
Giấc mơ không có thật
Những đứa trẻ vạn đò lớn lên chỉ biết trên đò là trời, dưới là mặt nước sông Gianh. Chúng lăn lóc trên sàn, đeo bám trên thành đò và tất nhiên, nỗi hiểm nguy rình rập đến tính mạng thì chưa lúc nào hết. Theo người dân nơi đây thì hầu như năm nào xóm đò Thanh Châu cũng có 2 - 3 đứa trẻ chết đuối.
Ông Hồ Ngọc Thanh - Công an viên xã Châu Hoá cho biết, thống kê chưa đầy đủ từ năm 2007 đến nay đã có 11 đứa trẻ xóm vạn đò Thanh Châu chết đuối. Mới đây, vợ chồng anh Hoàng Văn Long mất đứa con trai 5 tuổi khi họ bất cẩn để con một mình trên đò để vào bờ mua gạo. Có nhiều trường hợp một lúc mất 2 đứa con như gia đình anh Nguyễn Văn Dân.
Ngoài 40 hộ dân ở xóm vạn đò Thanh Châu, huyện Tuyên Hoá vẫn còn gần 60 hộ khác sống rải rác trên sông Gianh, không có nhà để ở. Đây cũng là một bài toán khó mà nhiều năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Tuyên Hoá chưa tìm ra lời giải.
Anh Dân kể lại trong nước mắt: “Đêm hôm đó, khi đã cho 5 đứa con ngủ xong, vợ chồng tui mới lấy cái thuyền thúng chèo đi thả lưới, khi trở về thì 5 đứa con chỉ còn 3 đứa, tui hốt hoảng kêu làng tìm kiếm…3 ngày sau mọi người mới vớt được xác 2 đứa (đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) của tui trôi dạt vào bờ cách đò hơn 3km…”.
Những chuyện đau lòng như trên cứ thỉnh thoảng lại diễn ra. Và, sau mỗi lần như vậy, người dân nơi đây lại cháy bỏng một khát vọng lên bờ…
Sống trên đò, nhưng mỗi năm người dân xóm vạn đò Thanh Châu vẫn phải chạy lũ đến vài lần. Sông Gianh ngày thường thì hiền hoà nhưng lũ về thì hung dữ khác thường, những chiếc đò không thể là nơi trú ẩn an toàn được nữa. Họ phải thu dọn đồ đạc, đưa người già và trẻ nhỏ vào đất liền trú ngụ, còn người lớn thì vẫn phải liều ở lại để bảo vệ “cơ nghiệp”... Cực khổ, hiểm nguy nên trong tâm niệm của mình, người dân vạn đò Thanh Châu ai cũng có chung một giấc mơ… lên bờ!
Đề cập vấn đề này, ông Lê Nam Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá nói: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa thể đưa được các hộ dân lên bờ: Thứ nhất, là do nghề nghiệp của người dân gắn liền với sông nước và họ yêu cầu nếu lên bờ thì phải được ở gần sông, trong khi đó quỹ đất của các xã không còn hoặc nằm trong vùng sạt lở; thứ hai, do các hộ dân còn khó khăn về kinh tế nên chưa thực sự quyết tâm lên bờ làm nhà để ở; thứ ba là nếu lên bờ nhưng phải ở xa sông nước thì họ chưa biết làm gì để sống, bởi chính quyền địa phương dù cố gắng lắm cũng chỉ bố trí ở, còn đất sản xuất thì đã giao hết cho dân theo Nghị định 64 rồi…”
Đến thời điểm này, người dân xóm vạn đò Thanh Châu dù có hộ khẩu đăng ký thường trú hẳn hoi nhưng vẫn phải chịu kiếp “ở đậu mép sông” và lênh đênh sông nước để mưu sinh.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.