Cả tỉnh Hưng Yên chỉ có 5 bảo vật quốc gia, trong đó ngôi chùa làng này đã chiếm 2, đó là bảo vật gì
Cả tỉnh Hưng Yên chỉ có 5 bảo vật quốc gia, nhưng ngôi chùa cổ này "nắm giữ" 2, đó là bảo vật nào?
Thứ bảy, ngày 30/04/2022 08:05 AM (GMT+7)
Hưng Yên hiện có 5 bảo vật quốc gia theo các quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ. Trong số đó, chỉ duy nhất 1 bảo vật hiện lưu giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh Hưng Yên, 4 bảo vật còn lại được lưu giữ tại các ngôi chùa làng cổ kính.
Riêng chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) - một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối Thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII) và Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng (Niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII).
Đây được đánh giá là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền mỹ thuật thời Lý, hiện còn lưu giữ được ở nước ta.
Theo tổng hợp của Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, trên phạm vi cả nước mới chỉ phát hiện được khoảng 4 - 5 ngôi chùa còn dấu ấn của kiến trúc, điêu khắc đá thời Lý, trong đó có chùa Hương Lãng.
Chùa Hương Lãng có tên nôm là chùa Lạng, toạ lạc trên thế đất đẹp, tương truyền đó là thế đất hình cô tiên.
Theo sử sách, chùa Hương Lãng có từ thời Lý do Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan xây dựng từ thế kỷ thứ XI. Ngoài thờ Phật, chùa Hương Lãng còn thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong lịch sử Việt Nam, đã có những đóng góp to lớn cho việc trị quốc cũng như sự phát triển Phật giáo của nhà Lý.
Giá trị kiến trúc đặc sắc nhất còn được lưu giữ ở chùa là hệ thống hiện vật thời Lý rất độc đáo. Đây là những di vật có giá trị lịch sử vô cùng quý giá, tạo nên vẻ đẹp và danh tiếng cho ngôi chùa, khiến khách đến chiêm bái phải sửng sốt, khâm phục bàn tay khéo léo của người xưa. Đáng tiếc là chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 bắt đầu được trùng tu.
Với những hiện vật còn lại, chùa Hương Lãng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1974.
Bảo vật quốc gia Tượng sư tử đá, người dân địa phương quen gọi là tượng ông Sấm, được đặt ở hậu cung của chùa. Theo bản thuyết minh về hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Tượng sư tử đá được tạo tác từ đá xanh và đá sa thạch, kích thước dài 280cm, rộng 350cm, cao 175cm.
Kết cấu được chia ra làm ba tầng: tầng đế, tầng thân và tầng trên cùng (đài sen). Bằng phương pháp thủ công, với kỹ thuật đục, đẽo… của các nghệ nhân thời Lý, khối đá tạc hình sư tử được ghép từ nhiều phiến đá, khít đến mức người xem cảm thấy như là một phiến đá nguyên khối để tạc hình sư tử.
Mặt sư tử dũng mãnh, mũi to căng tròn, cặp mắt lồi như hai quả trứng. Mông sư tử tròn căng. Toàn thân sư tử được điêu khắc hoa cúc dây, hoa văn xoắn ốc dày đặc, tỉ mỉ, không một diện tích nhỏ nào là không có chạm khắc hoa văn.
Với những đường nét chạm khắc vô cùng tinh xảo, các khối nổi trên bề mặt tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và chau chuốt, không ngắt nhịp đột ngột. Sư tử được tạo tác to lớn, đồ sộ, uy quyền song trông vẫn mềm mại, duyên dáng.
Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý. Những hình trang trí này khéo léo, tinh tế đến mức khiến ta phải ngạc nhiên, chúng nổi lên dày đặc mà vẫn có vẻ mỏng manh, nuột nà như không phải trên đá mà là trên đồ kim hoàn.
Cùng với Tượng sư tử đá chùa, bảo vật quốc gia Hệ thống thành bậc đá là những tác phẩm điêu khắc đá vô giá của thời Lý hiện còn lưu giữ được, bảo lưu nguyên vẹn những đặc trưng điển hình của mỹ thuật tạo hình thời Lý.
Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng nghìn tuổi hiện nay đồ sộ nằm trước Phật điện. Hệ thống thành bậc đá gồm những thành bậc bằng đá, xưa kia vốn nằm hai bên các bậc cấp dẫn lên chính điện chùa.
Trong đó có 6 thành bậc chạm khắc hình sấu đá quay đầu ra phía trước, chia lối lên chính điện thành 5 lối. Mỗi thành bậc đá đều chạm hình tượng phượng, sấu, hoa cúc dây… rất tinh xảo, mềm mại, chim phượng với đuôi dài cuộn sóng, chân co trong tư thế đang chồm tới được chạm khắc trên kiến trúc thành bậc tạo nên không khí rất sinh động, linh hoạt, uyển chuyển, hồn nhiên.
Trải qua gần nghìn năm, những con sấu đá trên các thành bậc đã bị tổn hại, song chỉ với những bức tranh điêu khắc vẫn còn khá nguyên vẹn phía dưới thành bậc cũng đã khiến hậu thế khâm phục trí tuệ và khả năng tuyệt vời của các nghệ nhân thời Lý. Và dù không còn nguyên vẹn, nhưng số lượng và mức độ cầu kỳ của hệ thống thành bậc đá là minh chứng cho tầm vóc cùa chùa Hương Lãng thời kỳ khởi lập.
Theo nhận xét của các chuyên gia, Tượng sư tử đá và Hệ thống thành bậc đá đã phản ánh một đặc điểm lớn của nghệ thuật thời Lý, đó là uy quyền nhưng rất mềm mại, đồng thời mang đậm chất trí tuệ và tôn giáo.
Du khách đến chiêm bái dễ có cảm nhận tượng ông Sấm vừa oai linh vừa gần gũi, hiền từ cũng giống như các đấng thần phật trong quan niệm từ xa xưa của dân gian luôn sẵn lòng giúp đỡ con người. Đặc điểm trên chính là căn cứ quan trọng phân biệt nghệ thuật thời Lý với nghệ thuật của các triều đại sau này. Các hình tượng nghệ thuật trong điêu khắc thời Lý khác hẳn với tính quyền lực áp chế trong các hình tượng nghệ thuật thời Lê Sơ.
Ngoài ra, rải rác trong khuôn viên chùa Hương Lãng còn có rất nhiều kiến trúc bằng đá của ngôi chùa cổ xưa, có một tấm bia ghi lại việc trùng tu vào thế kỷ 16…
Đây có lẽ là tư liệu nghiên cứu quan trọng về nghệ thuật kiến trúc, điều khắc đá cách đây nghìn năm của cha ông ta. Vì lẽ đó, những tác phẩm này không những quý báu đối với tinh hoa văn hóa của Hưng Yên mà còn có những đóng góp nhất định đối với kho tàng văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại.
Với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, chùa Hương Lãng (xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là điểm đến hấp dẫn để du khách tham quan, chiêm bái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.